Y tế - Sức khỏe

"Sẽ không lặp lại cảnh thiếu vắc xin như năm 2023"

Theo Tuổi trẻ 23/12/2023 12:17

"Với những người làm công tác tiêm chủng bao nhiêu năm, thực sự chỉ mong muốn không bao giờ bị thiếu vắc xin. Và hiện tượng thiếu vắc xin như năm 2023 này sẽ không lặp lại nữa", bà Dương Thị Hồng khẳng định.

Vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các tỉnh, thành phố năm 2023 liên tục bị gián đoạn - Ảnh: THU HIẾN

Vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các tỉnh, thành phố năm 2023 liên tục bị gián đoạn

Bà Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) kiêm Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia - nhận định tình hình thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng và để có được vắc xin, bản thân bà rất căng thẳng.

Với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động tiêm chủng mở rộng, quán xuyến việc xây dựng kế hoạch dự trù, mua sắm, phân bổ vắc xin, bà Dương Thị Hồng đã có chia sẻ về việc thiếu vắc xin và làm sao để có được vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Tỉ lệ tiêm chủng và tỉ lệ bao phủ đều tụt dốc

Bà Dương Thị Hồng thẳng thắn thừa nhận tình hình thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng so với những năm khác. Cụ thể, tỉ lệ tiêm chủng năm 2023 thấp hẳn, chỉ đạt 66,4% tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, trong khi theo quy định hàng năm phải đạt 75%.

Trước thực tế này, theo bà Hồng, nhiều bậc phụ huynh ở các thành phố lớn đã đưa trẻ đến trung tâm tiêm chủng dịch vụ để tiêm các loại vắc xin có kháng nguyên tương tự như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, tỉ lệ bao phủ của vắc xin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib) cũng thấp hơn hẳn so với các loại vắc xin khác khi chỉ đạt 52,6%.

Đặc biệt, thấp nhất ở khu vực Tây nguyên với 19,7%, do ở đây đa số đồng bào dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ.

"Chúng tôi hiểu rằng việc cần thiết phải tiêm bù lại mũi vắc xin quan trọng này", bà Hồng khẳng định.

Theo bà Hồng, ngoài 258.000 liều nhận được từ tháng 8, giữa tháng 12-2023, chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận gần 500.000 liều vắc xin DPT-VGB-Hib do Chính phủ Úc tài trợ để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho các tháng đầu năm 2024.

"Đây là lô vắc xin vô cùng quý giá. Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2024, nhiều khả năng chúng tôi sẽ phân bổ ngay gần 500.000 liều vắc xin 5 trong 1 này sau khi có giấy xuất xưởng của Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế. Chúng tôi sẽ cấp ngay cho tất cả tỉnh, thành", bà Hồng nói.

"Hiện tượng thiếu vắc xin sẽ không lặp lại"

Bà Dương Thị Hồng cho biết hiện nay có 10 loại vắc xin được sản xuất trong nước sẽ được mua bằng cơ chế đặt hàng. Hiện Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã có những bước đi cuối cùng để có được vắc xin trong nước.

“Thực sự với các vắc xin trong nước chỉ thiếu từ tháng 10 đến tháng 11 và một số xã, huyện vẫn còn nhưng rải rác. Đặc biệt, ghi nhận thiếu nhiều bắt đầu từ tháng 11 chúng ta đã không có vắc xin trong nước cung cấp cho các địa phương. Hiện nay chúng tôi đã nỗ lực cung ứng”, bà Hồng cho hay.

Cũng theo bà Hồng, đối với vắc xin 5 trong 1 (vắc xin ngoại, nhập khẩu), bắt buộc phải thực hiện đấu thầu rộng rãi theo Luật Đấu thầu.

Chưa kể vắc xin là sản phẩm đặc biệt, nên phải có đơn hàng mới sản xuất, rồi còn phải nội kiểm đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới dám xuất khẩu. Đây là lý do từ khi ký hợp đồng, phải từ 3-6 tháng nhà sản xuất mới cung ứng về Việt Nam.

Vắc xin về nước chưa phải thế là xong, mà tiếp tục được kiểm tra chất lượng, nếu đạt tiêu chuẩn xuất xưởng mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vậy làm sao để tránh tình trạng gián đoạn vắc xin? Bà Hồng lý giải: để xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin phải dựa vào nhu cầu vắc xin của năm đó và gối đầu vắc xin 6 tháng của năm sau.

"Tôi thực sự rất căng thẳng. Làm sao để có được vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng tôi vô cùng căng thẳng. Chính từ cái căng thẳng đó, chúng tôi đã thuyết phục và được sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế từng bước khắc phục khó khăn về cung ứng vắc xin", bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, hiện đơn vị đã nhận được nhu cầu vắc xin từ các tỉnh, thành phố trong năm 2024 và gối đầu 6 tháng năm 2025, sẽ sớm trình bố trí ngân sách trung ương (thay vì ngân sách nhà nước của địa phương) cung ứng vắc xin.

“Với những người làm công tác tiêm chủng bao nhiêu năm, thực sự chỉ mong muốn không bao giờ bị thiếu vắc xin. Ngay khi có được vắc xin, chúng tôi không ngần ngại thời gian khẩn trương vận chuyển, cấp phát và tiêm chủng vắc xin. Và hiện tượng thiếu vắc xin như năm 2023 này sẽ không lặp lại nữa", bà Hồng khẳng định.

Theo giám sát, hiện chưa phát hiện các ổ dịch, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi, dưới 2 tuổi. Chỉ có một số ổ dịch bạch hầu rải rác ở cả trẻ lớn và người lớn ở các tỉnh phía Bắc. Bà Hồng đánh giá, nếu không sớm đạt được độ bao phủ tiêm chủng ngay trong quý I/2024, Việt Nam gặp nhiều thách thức và nguy cơ của các bệnh là hiện hữu.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Sẽ không lặp lại cảnh thiếu vắc xin như năm 2023"