Nhà mạng sẽ thực hiện khoá máy điện thoại thuần 2G, 3G từ tháng 12/2023 để người sử dụng chuyển sang điện thoại thế hệ cao hơn 4G.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, việc phổ cập smartphone toàn dân là quan trọng và cần thiết. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây cho biết theo kế hoạch của Uỷ ban chuyển đổi số quốc gia thì số người dùng smartphone trên cả nước phải đạt được 80% số người dùng điện thoại di động trong năm nay.
Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định thiết bị đầu cuối thuộc danh mục có khả năng gây mất an toàn do Bộ TT&TT ban hành phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy hoặc công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường hoặc kết nối vào mạng viễn thông công cộng.
Trong khi đó, tại Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT của Bộ TT&TT ngày 31/5/2023 quy định danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT và Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 31/12/2020 của Bộ TT&TT ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến" đã quy định máy điện thoại di động mặt đất bắt buộc phải hỗ trợ công nghệ E- UTRA FDD (4G) từ ngày 01/7/2021, có nghĩa là những thiết bị only 2G và 3G là không hợp pháp.
Theo Cục Viễn thông, đơn vị này đưa ra danh sách các chủng loại máy điện thoại thuần 2G đã được chứng nhận hợp quy trước ngày 1/7/2021 và công bố cho tất cả nhà mạng. Theo đó, đây chính là danh sách hợp pháp để cho các nhà mạng có căn cứ để dừng các thiết bị thuần 2G không hợp pháp ra khỏi nhà mạng.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết Cục Viễn thông đã làm việc với các nhà mạng và các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị 2G only từ tháng 12/2023. Theo đó, thời gian qua, các nhà mạng phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng.
Cục Viễn thông cũng đã yêu cầu nhà mạng báo cáo số lượng thuê bao sử dụng máy thuần 2G không hợp pháp có thể khoá máy. Dự kiến tháng 9/2023 sẽ có số liệu để công bố, truyền thông cho người dân đang sử dụng thiết bị 2G only không hợp chuẩn, hợp quy sẽ bị ngắt ra khỏi mạng và có phương án chuyển đổi phù hợp. Biện pháp này sẽ đi vào cuộc sống vào khoảng tháng 12/2023.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra nhập khẩu, phân phối, lưu thông máy thuần 2G, 3G cũng sẽ được triển khai. Bộ TT&TT đã văn bản gửi các Sở TT&TT ngày 17/8/2023, trong đó đề nghị các Sở TT&TT phải kiểm tra các chi nhánh của DN kinh doanh mô hình chuỗi, các hộ kinh doanh đơn lẻ để đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G, 3G only lưu thông trên địa bàn; Phải phối hợp với quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại 2G, 3G only vi phạm quy định và kết quả gửi về Bộ TT&TT trước ngày 30/11/2023.
Như vậy, theo Cục trưởng Cục Viễn thông, “đến tháng 12/2023, sẽ có nhiều giải pháp mạnh và hy vọng tỷ lệ mà máy 2G, 3G only không tuân thủ quy định pháp luật sẽ bị loại ra mạng tương đối lớn”.
Hỗ trợ máy 2G với chi phí có thể lên đến 50% giá trị máy
Theo Cục Viễn thông, một giải pháp nữa để thúc đẩy người dùng chuyển đổi sử dụng smartphone là nhà mạng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi thuê bao 2G/3G sang 4G smartphone là hỗ trợ chi phí máy smartphone cho những người đang sử dụng máy 2G với chi phí có thể lên tới 50% giá máy.
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam - Bộ TT&TT đã lập kinh phí để hỗ trợ việc này, có thể chi phí lên đến 500.000 đồng/smartphone cho khoảng 400.000 máy cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước.
Qua rà soát tỷ lệ smartphone trên toàn quốc, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cho biết với các tỉnh đang thuộc nhóm có tỷ lệ sử dụng smartphone thấp thì bổ sung thêm giải pháp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chuyển đổi sang smartphone. “Bắc Kạn là tỉnh có điều kiện chưa phải là thuận lợi nhưng đã huy động được nguồn tiền cho việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang smartphone. Mong các tỉnh khác cũng theo kinh nghiệm của Bắc Kạn có thể thực hiện tương tự”.
Bên cạnh đó, nhà mạng cần có chính sách cước để hỗ trợ thuê bao chuyển đổi, miễn phí data cho khách hàng 36 tháng để trải nghiệm dịch vụ khi sử dụng thiết bị 4G trở lên và xây dựng những ứng dụng nội dung tốt, thu hút nhiều người dùng.
“Các Sở TT&TT được đề nghị, tập hợp danh sách các hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp ưu tiên, hỗ trợ chuyển đổi sang smartphone; Phối hợp chỉ đạo các chi nhánh của các nhà mạng để triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang smartphone tại địa bàn. Các Sở TT&TT cũng chỉ đạo các chi nhánh nhà mạng ở các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ này và truyền thông tại địa phương, cũng như tổ chức triển khai các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, thu hút nhiều người dùng để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng smartphone tại địa phương”, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay.
Theo Cục Viễn thông, qua thực hiện rà soát về tỷ lệ sử dụng smartphone tại các địa phương, những tỉnh có tỷ lệ smartphone trên 80% nằm nhóm 1, những tỉnh có tỷ lệ smartphone dưới 80% ở trong nhóm 2. Nhóm 1 có 25 tỉnh, nhóm 2 có 38 tỉnh.
Tuy nhiên, dù ở nhóm 1 là những tỉnh có khó khăn nhưng lại có tỷ lệ sử dụng smartphone cao như tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn… Nhóm 2 có một số tỉnh có điều kiện kinh tế tương đối tốt như là Hải Dương, Long An, Quảng Nam… lại có tỷ lệ sử dụng smartphone thấp.
Truyền thông mạnh mẽ
Để triển khai hiệu quả việc tiến tới dừng điện thoại thuần 2G, 3G khỏi mạng viễn thông, việc tuyên truyền về chủ trương, quy định là rất quan trọng.
Theo Cục Viễn thông, với kênh nhắn tin trực tiếp đến các thuê bao, nhà mạng cũng cần truyền thông trực tiếp đến khách hàng để thông báo cho người sử dụng biết là những thiết bị 2G không hợp chuẩn hợp quy là vi phạm pháp luật và sẽ bị ngắt khỏi mạng, khuyến khích người dân đổi sang máy smartphone mà DN viễn thông sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi. Đặc biệt, nhà mạng thực hiện nghiêm túc khoá máy 2G theo chỉ đạo của Bộ TT&TT.
“Các DN di động thực hiện nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông trực tuyến, truyền thông tại điểm giao dịch để đảm bảo truyền thông này được truyền thông đến từng khách hàng đang sử dụng thiết bị thuần 2G, 3G”, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh..
Cũng theo Cục Viễn thông, còn khoảng đến 23 triệu thuê bao 2G, theo đó, Bộ TT&TT sẽ truyền thông mạnh để người dân hiểu rằng việc dừng sử dụng điện thoại thuần 2G, 3G không chỉ mang lại lợi ích cho mình mà cũng đang góp phần thực hiện đúng quy định. Trong khi đó, Sở TT&TT qua hệ thống thông tin cơ sở, các kênh Báo, Đài địa phương cần tuyên truyền mạnh chủ trương này.
Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông