Sao vẫn dễ sa bẫy?

12/07/2020 09:17

Hàng chục phụ nữ mới đây lại sa bẫy của những kẻ trong vai quảng bá sản phẩm để lừa người dân mua hàng giá cao ở thị trấn Gia Lộc. Vẫn với chiêu trò quen thuộc là bốc thăm trúng thưởng hàng hóa, người dân phải nộp tiền cho món hàng đó, rồi được trả lại tiền.

Miếng mồi hấp dẫn ấy khiến hàng chục phụ nữ sẵn sàng móc túi vài triệu đồng cứ ngỡ có được những chiếc nồi cơm điện, nồi áp suất, chảo điện... mà không phải mất một xu nào. Nhưng cuối cùng những kẻ lừa đảo đã cuỗm được số tiền tính sơ sơ của người dân phải hơn 100 triệu đồng rồi biến mất lúc nào không hay. Người mất thì không biết bọn lừa đảo là ai, công ty gì hay ở đâu mà đòi.

Hay như vụ việc tương tự xảy ra ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) xôn xao dư luận những ngày gần đây. Cũng với thủ đoạn như vụ ở thị trấn Gia Lộc, hàng trăm phụ nữ đã tin vào những lời rao tri ân, siêu khuyến mãi đã mua nhiều món hàng giá “trên trời” với chất lượng chưa rõ. Các đối tượng cũng "cao chạy xa bay" ngay sau khi bán hết hàng.

Đọc những thông tin về nhiều người bị lừa dễ dàng như vậy có lẽ nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ những chương trình được tổ chức lùm xùm, phát tờ rơi đầy đường, ai cũng biết mà cán bộ khu dân cư, cán bộ phường, xã, cơ quan chức năng lại không kịp thời nghi vấn và cảnh báo người dân. Ngoài ra, báo chí đã từng thông tin rất nhiều vụ việc tương tự với nhiều nạn nhân và hàng trăm, hàng tỷ đồng của người dân rơi vào tay bọn lừa đảo, nhưng người dân ở những địa phương trên vẫn mất cảnh giác để lại bị lừa.

Vấn đề thấy rõ ở đây là sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Theo lãnh đạo UBND phường 1 (TP Tuy Hòa), phường này đã nhận được hồ sơ của công ty đăng ký chương trình khuyến mãi, phân phối sản phẩm… nhưng phường chưa đồng ý thì chương trình đã diễn ra. Đây cũng là phương thức chung của những nhóm đối tượng lừa đảo. Trước khi thực hiện chương trình, các đối tượng đều đăng ký với cơ quan chức năng việc giới thiệu hàng hóa, tri ân, tặng quà... nghe có vẻ hợp pháp, thậm chí còn rất nhân văn. Nhưng thực tế chương trình ấy diễn ra thế nào thì hầu như chưa được quản lý, giám sát và việc phát hiện vi phạm thường là quá muộn, khi người dân đã bị lừa.

Thực tế các chương trình kiểu như trên thường hướng vào nhóm người trung tuổi, cao tuổi và đặc biệt là phụ nữ. Chỉ với những phần quà nhỏ như gói mỳ chính, chai dầu ăn, nước mắm… đã dễ dàng lôi kéo các bà, các cô vào bẫy. Chưa biết đoàn quảng bá sản phẩm uy tín ra sao nhưng cứ được phát quà, nghe những lời hứa suông là các bà, các cô sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm chưa biết chất lượng và giá trị thực tế đến đâu. Sự nhẹ dạ, cả tin và tâm lý hám lợi đã trở thành miếng mồi béo bở của các đối tượng lừa đảo. 

Khi chính quyền bị qua mặt, người dân còn cả tin thì những vụ việc như trên sẽ chưa dừng lại. Việc cần nhất để ngăn chặn là phải nâng cao hiểu biết, ý thức cảnh giác cho người dân, nhất là những người trung tuổi, cao tuổi, người ở khu vực nông thôn. Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, qua các đoàn thể, cuộc họp, sinh hoạt, giao lưu… về các chiêu trò, thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo để người dân dễ dàng nhận diện. Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, cán bộ thôn, khu dân cư phải tăng cường trách nhiệm, quản lý, kiểm tra, giám sát những chương trình, hội nghị, hội thảo khách hàng, quảng bá sản phẩm... Dù đã cấp phép hoạt động cũng không được buông lỏng, phải bám sát quá trình triển khai, nội dung chương trình để kịp thời phát hiện nếu có sai phạm. Việc điều tra, xử lý những nhóm đối tượng, các tổ chức, doanh nghiệp lừa đảo cũng phải được thực hiện quyết liệt, xử lý nghiêm trước pháp luật.

NGÂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao vẫn dễ sa bẫy?