Sáng ngời chính nghĩa

26/09/2019 11:17

Đúng ngày này 30 năm trước (26.9.1989), một sự kiện đã đi vào lịch sử của cả Việt Nam và Campuchia khi Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Người dân Campuchia lưu luyến vẫy chào, chia tay Quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989. Ảnh tư liệu

Nghĩa cử trong sáng của Việt Nam trong việc cứu giúp cả một dân tộc thoát khỏi thảm họa diệt chủng, góp phần hồi sinh đất nước Campuchia là điều được nhân dân đất nước Chùa Tháp mãi khắc ghi và cộng đồng quốc tế thừa nhận…

Sự thật lịch sử về việc Việt Nam đóng vai trò quyết định cứu nhân dân và đất nước Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ luôn được lãnh đạo và nhân dân Campuchia nhắc tới với lòng biết ơn sâu sắc trong các cuộc gặp gỡ cấp cao và tiếp xúc hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng đặt câu hỏi: “Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng?".

Và cũng chính nhà lãnh đạo Campuchia có câu trả lời, đó chính là nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo ông: “Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Thủ tướng Campuchia cũng khẳng định: “Nếu không có ngày 7.1 thì sẽ không có ngày hôm nay. Quân đội Việt Nam đã có mặt tại Campuchia năm 1979 để cứu người Campuchia và đã trở về nước sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quốc tế của mình”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu Việt Nam không giúp Campuchia thì cũng chẳng có nước nào giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng cả”.

Trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Campuchia cuối tháng 2.2019 và mới đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Campuchia đều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời và có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Ngày Quân tình nguyện Việt Nam về nước, Báo Pracheachon (Nhân dân) của Campuchia, đã đăng bài xã luận, trong đó khẳng định: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.

Theo Giáo sư người Australia Carlyle Thayer, lúc bấy giờ, nhiều quan chức và sĩ quan quân đội Khmer Đỏ, trong đó có cả Thủ tướng Campuchia Hun Sen hiện nay, biết rất rõ nạn diệt chủng mà chế độ này tiến hành nên đã ly khai, đào thoát sang Việt Nam và tìm cách tập hợp lực lượng cứu nước.

Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng: “Nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ của Việt Nam thì đã không có Cộng hòa nhân dân Campuchia, không có Nhà nước Campuchia và chắc chắn không có Vương quốc Campuchia ngày nay”.

Thời báo Canberra của Australia số ra ngày 19-3-1989 đánh giá: “Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Campuchia đã đem lại kết quả rõ ràng. Hành động đó đã được nhân dân Campuchia ở khắp nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ. Và ai cũng thấy rõ ràng là sở dĩ từ trước đến nay, Khmer Đỏ không thể trở lại được Phnom Penh chủ yếu vì sự có mặt của Việt Nam”.

Tiến sĩ Chhay Yi Heang, cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia khẳng định: “Chế độ diệt chủng Pol Pot không chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ 20”.

Paul Millar, cây bút của Tạp chí Southeast Asia Globe chuyên về Đông Nam Á có trụ sở tại Campuchia, trong bài viết về cuộc gặp với các cựu Quân tình nguyện Việt Nam từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam và chống Khmer Đỏ ở Campuchia đã viết rằng, những người lính tình nguyện Việt Nam tới Campuchia khi còn rất trẻ và chiến đấu quên mình chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.

Qua chuyện kể của các nhân chứng về sự tàn ác của chế độ diệt chủng ở Campuchia, bài viết đã khẳng định ý nghĩa cao cả của nhiệm vụ quốc tế mà Quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện ở Campuchia. Theo bài viết, sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam của tập đoàn Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp LLVT cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước. Ngày 7.1.1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng.

Bài viết cũng đề cập tới một nhân chứng đặc biệt người Campuchia từng gánh chịu sự tàn ác, đó là Cố vấn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Sin Khin, sinh ra ở tỉnh Svay Rieng, gần biên giới với Việt Nam. Từ đó nêu bật vai trò của Việt Nam giúp nhân dân và đất nước Campuchia hồi sinh sau chế độ diệt chủng.

Dưới thời chính quyền Khmer Đỏ, ông Sin Khin từng phải làm việc khổ sai trong 15 tháng. Khi Khmer Đỏ bị Quân tình nguyện Việt Nam đánh bại và phải tháo chạy, ông Sin Khin buộc quần áo vào chiếc gậy để làm cờ trắng và mỉm cười, nói chuyện bằng tiếng Việt với bộ đội Việt Nam để chứng minh mình không thuộc Khmer Đỏ.

“Họ cho tôi một mẩu bánh mì”, ông Sin Khin nhớ lại. Ông cho biết, dưới thời Pol Pot, không có tiền, không có gia đình, không có trường học. “Chỉ có một màu duy nhất: Đen. Tất cả quần áo đều màu đen. Khi chính quyền của ông ta (Pol Pot) sụp đổ, người dân Campuchia rất hạnh phúc. Khi nhìn thấy bộ đội Việt Nam, họ giống như được hồi sinh”.

Ông Sin Khin cho rằng, ban đầu ông không cảm thấy nhiều hy vọng, nhưng khi gặp rất nhiều binh lính trong rừng ở Snuol và người Việt Nam đến để giúp đỡ họ, ông bắt đầu tin rằng Campuchia sẽ chiến thắng.

“Mọi người bắt đầu tình nguyện tham gia phong trào. Họ rất phẫn uất trước Khmer Đỏ”, Sin Khin kể. “Những người lính Quân tình nguyện Việt Nam luôn ở tuyến đầu, hỗ trợ các chiến sĩ Campuchia chiến đấu”.

Tác giả Paul Millar viết, Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ dân tộc Campuchia truy quét Khmer Đỏ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước.

 XUÂN PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng ngời chính nghĩa