Nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong tỉnh...
Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vân Anh phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất
"Ăn đong"
Cuối tháng 8.2018, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Thịnh (Kim Thành) nhận được hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm ghế đan mây và giỏ hoa làm bằng cỏ tế sang thị trường Canada. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, nguồn cỏ tế và mây để làm sản phẩm theo yêu cầu của đối tác lại không dễ kiếm. Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên kinh doanh của công ty này cho biết cây cỏ tế chủ yếu được trồng ở các vùng Nghệ An, Thanh Hóa và một số xã của tỉnh Yên Bái. Diện tích trồng cỏ tế ở các vùng trên hiện còn rất ít nên nhiều khả năng không đủ để làm đơn hàng lớn. Đó là còn chưa kể do khan hiếm nên hiện nay giá mây nguyên liệu đã tăng từ 20 - 30% so với năm trước. “Nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng đối với sản xuất hàng TCMN. Vì nguyên liệu không bảo đảm nên chúng tôi đành phải từ chối đơn hàng lớn này”, chị Hoa nói.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ mộc mỹ nghệ tại làng nghề mộc Đông Giao ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) mấy năm nay cũng gặp không ít khó khăn về nguyên liệu. Sản phẩm ở đây chủ yếu làm bằng gỗ thịt nên phụ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác gỗ tự nhiên. Trong khi đó, gần đây Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng nên nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất tương đối khan hiếm. Anh Vũ Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Chợ đồ gỗ Đông Giao cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nhất là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên chế tác sản phẩm từ gỗ tự nhiên gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu so với trước đây. Doanh nghiệp không dám nhận nhiều đơn hàng lớn bởi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khó kiếm và đắt đỏ”.
Hải Dương là đất trăm nghề để nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN phát triển. Nhưng những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này giảm đáng kể. Ngoài nguyên nhân tiếp cận thị trường khó khăn còn do nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ngày càng khan hiếm và cũng rất khó tìm nguyên liệu khác để thay thế.
Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam (VIETCRAFT), nguyên liệu khan hiếm đang khiến gần 50% số doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN trong cả nước giảm đơn hàng và thu hẹp thị trường. Các vùng nguyên liệu tự nhiên phục vụ sản xuất hàng TCMN sẵn có trong nước dần cạn kiệt, còn vùng nguyên liệu mới lại chưa khai thác được khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Đơn hàng nhiều, tay nghề lao động khá cao nhưng lại không dám ký kết hợp đồng chỉ vì thiếu nguyên liệu.
Tự tìm giải pháp
Mặc dù rất cần vốn để đầu tư máy móc và mở rộng nhà xưởng nhưng anh Vũ Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Chợ đồ gỗ Đông Giao vẫn quyết định dành một số tiền khá lớn để thu mua nguyên liệu tích trữ phục vụ sản xuất lâu dài. Dù biết mua nguyên liệu để đấy sẽ bị “om” vốn, mất công bảo quản và phải chịu rủi ro bởi có những loại gỗ không để được lâu, mối mọt. “Như thế sẽ an toàn hơn là mình sẽ phải đi ăn đong nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng đang tính đến phương án liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc để sẵn sàng tự cung ứng được nguyên liệu khi có các đơn hàng lớn”, anh Điệp chia sẻ.
Nhập khẩu nguyên liệu cũng đang là phương án được nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN trên địa bàn tỉnh thực hiện. Theo ông Vũ Đăng Ban, Phó Giám đốc kinh doanh Xí nghiệp TCMN xuất khẩu Vân Anh (TP Hải Dương), do nguồn cung nguyên liệu trong nước cạn kiệt thì nhập khẩu nguyên liệu cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Trước đây, xí nghiệp thu mua vỏ trai, ốc tại những tỉnh ven biển miền Trung để làm các đơn hàng khảm trai xuất khẩu nhưng giá khá cao và nguồn cung cũng không ổn định. Vì vậy, hiện nay doanh nghiệp đã chủ động nhập khẩu những nguyên liệu này từ Ấn Độ hoặc Indonesia. Nhập khẩu sẽ được lợi về giá, nguồn cung lại khá dồi dào. Nhưng ông Ban cũng lo lắng cho rằng: “Không phải đơn hàng nào cũng có thể nhập khẩu được nguyên liệu dễ dàng”.
Sản phẩm TCMN của Hải Dương đã được xuất khẩu và khẳng định thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trong và ngoài nước. Nếu để thiếu nguyên liệu ảnh hưởng đến sản xuất cũng như thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN của tỉnh thì thật đáng tiếc. Giải pháp lâu dài là sớm xây dựng được các vùng cung ứng nguyên liệu. Trước mắt, Sở Công thương nên khảo sát, đánh giá lại hiện trạng phát triển của doanh nghiệp TCMN, từ đó có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tự xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp. Các doanh nghiệp có thể liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh cùng thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu...
HẢI MINH