Sân vận động "lột xác" nhờ xã hội hóa

25/08/2019 16:04

Huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng sân vận động (SVĐ) mang lại nhiều lợi ích thiết thực thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tại các địa phương. Người dân cũng được hưởng lợi.

Sân vận động xã Cao An (Cẩm Giàng) đang được trải cỏ nhân tạo từ nguồn xã hội hóa

Không còn bỏ hoang

Nhiều xã ở huyện Cẩm Giàng như Tân Trường, Cẩm Định, Cao An... đang vận động xã hội hóa để xây dựng SVĐ trung tâm. Tân Trường là xã đầu tiên ở huyện Cẩm Giàng thực hiện việc này. Tháng 3.2017, xã ký hợp đồng với Công ty TNHH Trường Thành đầu tư làm mặt cỏ nhân tạo, hệ thống đèn cao áp, tiêu thoát nước... cho SVĐ trung tâm. Chủ tịch UBND xã Tân Trường Vũ Văn Thuận cho biết năm 2016, xã đã đầu tư 1,4 tỷ đồng quy hoạch SVĐ, nâng cao cốt sân, xây tường bao, hệ thống thoát nước... Tuy nhiên, việc cải tạo mặt sân để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và các hoạt động thể dục thể thao của địa phương gặp khó khăn do không có kinh phí. “Lúc chưa xã hội hóa, SVĐ gần như bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Người dân đưa trâu bò vào chăn thả, thậm chí nơi này còn là tụ điểm cho bọn nghiện hút hoạt động”, ông Thuận nói. Chỉ khi có doanh nghiệp vào đầu tư khó khăn này mới được giải quyết. Kể từ ngày có doanh nghiệp đầu tư vào SVĐ trung tâm, phong trào thể dục thể thao tại địa phương ngày một phát triển. Người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên có sân chơi bổ ích, lành mạnh. Xã có vị trí đắc địa để tổ chức các hoạt động tập trung, các giải thể thao, cắm trại... 

SVĐ trung tâm huyện Thanh Miện đã được trải cỏ nhân tạo từ năm 2017. Đây là một trong những SVĐ cấp huyện đẹp và khang trang nhất tỉnh hiện nay. Kể từ khi có doanh nghiệp vào đầu tư, SVĐ này ngày nào cũng sôi động bởi lượng người dân đến đây luyện tập thể dục thể thao đông hơn. Thanh thiếu niên có sân đá bóng sạch đẹp, còn người già có không gian thoáng đãng để đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh... “Xã hội hóa SVĐ là một chủ trương đúng đắn. Từ ngày SVĐ được đầu tư khang trang, các cháu tôi có nơi đá bóng, nô đùa. Chứ như trước kia sân toàn cỏ dại thì chẳng mấy người dám vào”, ông Nguyễn Văn Khang ở thị trấn Thanh Miện cho biết.

Ông Vũ Năng Anh, Trưởng Phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết SVĐ được quản lý tốt hơn khi có đầu tư từ nguồn xã hội hóa, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phong trào thể dục thể thao ở cơ sở. Phong trào thể thao tại hầu hết những địa phương đã xã hội hóa được SVĐ bao giờ cũng sôi nổi hơn những nơi chưa làm được. Xã hội hóa giúp chất lượng các giải thể thao ở cơ sở được nâng lên. Đáng mừng nhất là đã giảm mạnh tình trạng SVĐ rộng rãi nhưng để cỏ dại mọc um tùm.

Không thu vé trong giờ hành chính

SVĐ công cộng là thiết chế phục vụ miễn phí cho người dân. Thế nên khi các địa phương kêu gọi xã hội hóa SVĐ đã có một bộ phận người dân có ý kiến. Họ lo sợ bị mất quyền lợi khi không có nơi tập luyện thể dục thể thao. Lo sợ của người dân là có cơ sở khi doanh nghiệp đã đầu tư thì buộc phải thu phí. Tuy nhiên, các địa phương đã cân nhắc kỹ lưỡng và luôn có điều khoản để hướng tới mục tiêu vừa có SVĐ đẹp, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Đầu năm nay, SVĐ xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) đã được tư nhân đầu tư trải cỏ nhân tạo. Chủ trương xã hội hóa SVĐ được người dân địa phương này đồng tình cao khi những quyền lợi của họ vẫn được bảo đảm. Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Định cho biết hợp đồng giữa xã và doanh nghiệp nêu rõ từ 5 giờ sáng đến 17 giờ hằng ngày người dân được tập luyện thể dục thể thao tại sân cỏ nhân tạo mà không mất phí. Doanh nghiệp chỉ được thu phí từ sau 17 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Khi xã, thôn tổ chức các giải thể thao, chủ sân cũng không được thu phí. “Chúng tôi còn cho làm 2 sân bóng chuyền trong khuôn viên SVĐ trung tâm để phục vụ cán bộ, nhân dân chơi thể thao. Tới đây, xã sẽ đề nghị doanh nghiệp làm một sân cỏ mini ở diện tích đất trống còn lại để cho trẻ em vui chơi miễn phí”, ông Công nói. 

Xã Tân Trường cũng thỏa thuận với doanh nghiệp để người dân, học sinh được tự do tập luyện thể dục thể thao tại sân cỏ nhân tạo trong giờ hành chính và chỉ được thu phí từ sau 16 giờ 30 hằng ngày. Người dân tự do đi bộ, đạp xe, tập thể dục xung quanh SVĐ. Địa phương này còn đầu tư 2 sân bóng chuyền, 1 sân cầu lông ngay trong khuôn viên SVĐ trung tâm để phục vụ người dân miễn phí.

Thị trấn Tứ Kỳ đã kêu gọi tư nhân đầu tư xây sân cỏ nhân tạo trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao từ nhiều năm nay. Người dân ở đây rất vui khi con em của họ có sân đá bóng tốt. Những người yêu môn bóng chuyền cũng không lo bị mất quyền lợi khi địa phương vẫn dành quỹ đất để làm sân chơi rộng rãi, khang trang ngay cạnh sân bóng đá cho họ. Phía trước nhà văn hóa, một khoảng sân rộng hàng trăm m2 được trạt bê tông sạch sẽ để hằng ngày những người thích bộ môn dân vũ luyện tập. 

SVĐ trung tâm huyện Thanh Miện được doanh nghiệp đầu tư trải cỏ nhân tạo nhưng không thu phí với các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện. Tại đây, doanh nghiệp vẫn bố trí một sân cỏ nhân tạo mini rộng 150 m2 cho trẻ em vui chơi miễn phí. Một phần diện tích sân còn lại làm nơi phục vụ người dân chơi các môn bóng chuyền, đẩy tạ, nhảy cao, nhảy xa... 

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Sân vận động "lột xác" nhờ xã hội hóa