Nhiều nhà văn hoá, sân thể thao ở Hải Dương đang cửa đóng, then cài, hoang hoá. Khát khao được "hồi sinh" chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.
Nhà văn hoá thôn, khu dân cư hay sân thể thao là thiết chế văn hoá gần gũi, phục vụ miễn phí cho người dân sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều thiết chế này được sửa sang, xây dựng nhưng sau mấy năm lại xuống cấp, thậm chí để hoang hoá, rơi vào cảnh cửa đóng, then cài. Vốn có mục đích phục vụ người dân nhưng giờ đây, sự xuống cấp và chiếc khoá cửa ở những nơi đúng ra là công cộng này đã ngăn cách người dân với những nhu cầu, lợi ích chính đáng.
Ban Văn hoá - HĐND tỉnh Hải Dương vừa giám sát thực trạng thiết chế văn hoá cơ sở trong tỉnh. Ở một số nơi, dù được cán bộ huyện dẫn đi nhưng đoàn giám sát phải chờ khá lâu để cơ sở tìm người mở cửa vào khảo sát một số sân thể thao huyện, nhà văn hoá thôn, khu dân cư. Vậy người dân muốn vào sử dụng, hoạt động tại những nơi này thì làm thế nào?
Tại buổi làm việc với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, khi bàn về chế độ trợ cấp cho người trông coi nhà văn hoá, sân thể thao, đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho rằng những địa điểm này cần mở cửa để người dân vào sinh hoạt chứ không phải khoá cửa rồi tốn thêm chi phí bảo vệ, nên dành kinh phí cho cơ sở vật chất, hoạt động của thiết chế văn hoá. Nếu lo lắng việc mất cắp thì chỉ nên khoá bảo vệ những trang thiết bị trong nhà văn hoá, sân thể thao chứ không phải khoá cả cái nhà, cái sân đó rồi gây khó khăn cho người dân muốn sử dụng.
Ý kiến này khiến nhiều người phải suy ngẫm vì thiết chế văn hoá cơ sở để phục vụ người dân nhưng người dân muốn thụ hưởng lại khó. Trong khi đó, nhiều nhà văn hoá, sân vận động thì bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Mấy năm qua còn có phong trào đặt tủ sách miễn phí ở nhà văn hoá nhưng cửa khóa thì người dân làm sao vào được để đọc? Thực tiễn cho thấy cơ sở vật chất càng ít sử dụng, tu bổ càng dễ hoang hoá, xuống cấp.
Ở TP Hải Dương, tôi thấy có khu dân cư may mắn có nhà văn hoá rộng hoặc khoảng sân trống thì một nhóm người chơi cầu lông góp tiền làm sân rồi mỗi tháng góp cho khu một ít kinh phí. Vậy là như luật bất thành văn, khoảng sân đó trở thành của họ, chỉ khi họ không chơi cầu lông thì mới đến lượt người dân và hội, nhóm khác sử dụng.
Sân thể thao cấp huyện, xã cũng gặp tình trạng tương tự. Phát biểu thảo luận ở hội trường Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, đồng chí Dương Văn Xuyên, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Nam Sách cho biết việc quản lý thiết chế văn hoá ở cơ sở gặp khó, đầu tư thì không có kinh phí, không hiệu quả mà để tư nhân rót vốn, vận hành thì không đúng quy định.
Thực tế tại huyện Nam Sách, sân vận động trung tâm huyện phải chia đôi. Một nửa trải sân cỏ nhân tạo và cơ sở vật chất cần thiết của sân bóng đá là tư nhân thuê đất đầu tư. Một nửa còn lại cỏ mọc um tùm, hoang hoá. Người dân muốn vào đá bóng thì phải trả tiền thuê sân bên tư nhân.
Đó là thực trạng chung của nhiều nhà văn hoá, sân thể thao trong tỉnh. Cơ quan quản lý cũng gặp khó.
Có ý kiến cho rằng vì không ai vào nhà văn hoá đọc sách, vui chơi, không ai đá bóng, chơi thể thao nên người ta mới bỏ hoang hoặc khoá cửa lại. Tuy nhiên, thực tế ở một số nơi được quan tâm, có cơ sở vật chất khang trang, cửa cổng rộng mở thì dịp hè thu hút không ít người dân đến sinh hoạt.
Do đó, cần có giải pháp thực tiễn để "hồi sinh" những thiết chế này. Trong khi nguồn vốn đầu tư không quá lớn và nhiều người sẵn lòng đóng góp để cải thiện thiết chế văn hoá nơi mình sinh sống thì việc "hồi sinh" nhà văn hoá, sân thể thao không quá khó, trước tiên cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
HẢI AN