Nối tiếp thành công của vụ vải, người dân, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn đang tích cực chuẩn bị để xuất khẩu nhãn sang Mỹ, Úc, Singapore...
Nhân viên chuyên môn tư vấn cho người trồng quy trình chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP
Khả quan
Hải Dương có khoảng 1.000 ha nhãn tập trung ở TP Chí Linh với sản lượng năm 2020 ước đạt 5.000 tấn. Tuy không nằm trong nhóm cây thế mạnh của tỉnh nhưng những năm gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm phát triển sản xuất nhãn theo hướng VietGAP. Năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn 4 vùng nhãn xuất khẩu ở các xã, phường là Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến, Hoàng Tân (đều thuộc TP Chí Linh) với diện tích gần 60 ha làm theo tiêu chuẩn này. Cơ hội để quả nhãn Hải Dương tiêu thụ tại thị trường khó tính rất khả quan.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) gắn bó với Hải Dương nhiều năm trong xuất khẩu vải và năm nay tiếp tục đồng hành với người trồng nhãn Chí Linh tiếp cận những thị trường lớn. Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: "Nhãn Hải Dương đáp ứng đủ các yêu cầu xuất khẩu. Chúng tôi đã gửi mẫu cho đối tác nước ngoài và bước đầu đạt được thỏa thuận. Dự kiến cuối tháng 7, công ty thu mua và xuất lô nhãn đầu tiên. Doanh nghiệp cam kết mua nhãn với giá hợp lý, bảo đảm quyền lợi của nông dân".
Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội) cũng đang tìm hiểu thu mua nhãn tại TP Chí Linh để xuất khẩu. Do đã có kinh nghiệm xuất khẩu vải thiều Thanh Hà nên doanh nghiệp tự tin sẽ xuất khẩu nhãn Chí Linh thành công. Doanh nghiệp đã khảo sát một số vườn nhãn ở các phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến và lên kế hoạch thu mua.
Theo đánh giá ban đầu của Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 4 vùng trồng nhãn xuất khẩu ở Hải Dương cơ bản đủ điều kiện để cấp mã định danh. Sau khi cấp mã số vùng, đơn vị chuyên môn sẽ kiểm soát, quản lý tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo quản trong quá trình lưu thông trên thị trường. Đây là yêu cầu đầu tiên để xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính. Hiện trung tâm đã lấy mẫu lá, quả để kiểm định, xác nhận những vườn nhãn bảo đảm chất lượng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua.
Người trồng chủ động
Những tín hiệu tích cực của thị trường tiêu thụ làm cho người trồng nhãn phấn khởi, chủ động chăm sóc theo tiêu chuẩn trong giai đoạn nước rút để quả nhãn có thể xuất khẩu thuận lợi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Phú ở thôn An Mô, xã Lê Lợi có 1 ha nhãn. Áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đã được 4năm nên anh Phú rất vui khi diện tích nhãn của gia đình nằm trong danh sách thu mua xuất khẩu. Khi thời gian thu hoạch càng đến gần, anh càng cẩn thận trong khâu chăm sóc. "Trước đây, tôi bán cho thương lái nên giá cả bấp bênh, cảnh được mùa mất giá thường xuyên diễn ra. Giờ có cơ hội xuất khẩu, tôi phải nắm bắt. Tôi thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chuyên môn với hy vọng nhãn năm nay được mùa nhưng không mất giá như trước", anh Phú nói.
Được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã sau khi kiểm tra thực tế, gia đình ông Nguyễn Văn Viễn ở khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến cũng đang chăm sóc để nhãn đạt được độ ngon, ngọt nhất trong thời điểm thu hái. Nhà ông Viễn có 2 ha nhãn với hơn 1.000 gốc gồm 2 loại là nhãn sớm và Miền Thiết, sản lượng đạt khoảng 30 tấn. Nhãn sớm cho thu hoạch đầu tháng8, ông Viễn đã ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly. Còn nhãn Miền Thiết sẽ cho thu vào giữa tháng8, ông Viễn phối hợp với đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP giám sát chặt chẽ tình hình sâu bệnh để xử lý kịp thời.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đối với xuất khẩu nông sản thì kiểm dịch là khâu quan trọng. Chi cục điều động nhân viên chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát tại vùng trồng nhãn xuất khẩu; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, liều lượng, đáp ứng quy định của từng thị trường. Nhãn sẽ cho thu hoạch tập trung từ ngày 10-30.8 nên trong giai đoạn này mọi công việc đang được thực hiện khẩn trương. Nếu thành công thì đây là năm đầu tiên Hải Dương xuất khẩu nhãn sang thị trường khó tính. Như vậy, quả nhãn của tỉnh sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống là Trung Quốc, giá trị sẽ được nâng cao.
PV