Sân vận động Mỹ Đình - "trái tim" của SEA Games 31, đang chậm tiến độ sửa chữa có nguy cơ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Toàn cảnh phiên họp của Ban tổ chức SEA Games 31 chiều 29.9
Ngày 29-9, Ban tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 Việt Nam 2021 đã có phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Ngọc Thiện, bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Kinh phí tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11
Theo đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, số tiền chi cho công tác tổ chức đại hội là 1.608 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Ngân sách trung ương chi riêng cho công tác tổ chức Para Games là 286 tỷ đồng.
Ngân sách trung ương chi 591 tỷ đồng để sửa chữa 4 công trình do Bộ VHTT&DL quản lý, bao gồm: sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình, Cung Thể thao dưới nước, trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, nhà thi đấu Trường đại học Thể dục thể thao (TDTT) Bắc Ninh.
Ngoài ra, trung ương hỗ trợ thêm 11 tỷ đồng cho tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đường đua xe đạp địa hình.
Số tiền dự kiến thu từ việc tổ chức SEA Games 31 là 285 tỷ đồng, trong đó có 70 tỷ đồng từ tiếp thị tài trợ. Số tiền dự kiến thu về từ Para Games là 39 tỷ đồng, trong đó có 10 tỷ đồng từ tiếp thị tài trợ.
Ông Trần Đức Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết SVĐ Mỹ Đình là công trình quan trọng nhất của SEA Games 31 bởi nơi đây sẽ diễn ra lễ khai mạc, thi đấu môn điền kinh, bán kết và chung kết bóng đá nam.
Nhưng đến thời điểm này, tiến độ sửa chữa SVĐ Mỹ Đình và 3 công trình do trung ương rót vốn đang bị chậm. Tại cuộc họp, ban tổ chức đề nghị các bộ, ngành sớm tạo điều kiện về thủ tục để việc sửa chữa, nâng cấp các công trình được tiến hành, đảm bảo tiến độ.
Theo kế hoạch từ tháng 6 đến 9.2021, các công trình này phải được tiến hành sửa chữa xong để tổ chức các giải tiền SEA Games. Tại các giải đấu này, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế của từng môn sẽ đến kiểm tra SVĐ, nhà thi đấu, thiết bị đo đếm thành tích. Chỉ khi được các đơn vị này đóng dấu đạt tiêu chuẩn, SEA Games 31 mới được tổ chức.
Hà Nội không tổ chức bóng đá nam, golf, quần vợt
Trước đó, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng cục TDTT xin không đăng cai một bảng đấu môn bóng đá nam tại SEA Games 31 do SVĐ Hàng Đẫy xuống cấp.
Ngoài ra, Hà Nội cũng không tổ chức hai môn golf và quần vợt. Dù vậy, đến thời điểm này Bộ VHTT&DL cho biết vẫn phải chờ văn bản chính thức của UBND TP Hà Nội. Khi UBND TP Hà Nội chính thức có văn bản xin không đăng cai tổ chức 3 hạng mục này, ban tổ chức đại hội sẽ có phương án thay thế.
Trong thời gian qua, ở môn golf, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Hiệp hội Golf Việt Nam đã có văn bản xin đưa môn này từ Hà Nội lên sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) thi đấu. Về môn quần vợt, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết sẵn sàng ủng hộ để ban tổ chức đưa môn này về thi đấu tại một cụm sân tại Bắc Ninh do một tập đoàn tư nhân đứng ra xây dựng.
Liên quan đến nơi tổ chức bảng đấu còn lại của môn bóng đá nam thay Hà Nội, nhiều địa phương trong đó có Phú Thọ đã liên hệ để đưa bảng này về đá tại SVĐ Việt Trì. Tuy nhiên, ông Trần Đức Phấn cho biết do ban tổ chức chưa có cuộc làm việc, văn bản chính thức từ các địa phương nên chưa thể công bố địa phương nào sẽ đăng cai bảng đấu bóng đá nam.
Ba môn phối hợp sẽ được tổ chức tại SEA Games 31 4 môn sẽ được bổ sung vào chương trình thi đấu tại SEA Games 31 bao gồm: Triathlon (ba môn phối hợp), bowling, Jiujitsu, E-sports. Tổng số môn thi của SEA Games 31 sẽ là 40 môn với 520 nội dung. Trong đó 36 môn do Việt Nam đề xuất, 4 môn được bổ sung này được lựa chọn trên 26 môn mà các quốc gia trong khu vực đề xuất. Triathlon dự kiến sẽ được thi đấu tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh). |
Theo Tuổi trẻ