“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, với quan niệm ấy nên nhiều người không tiếc tiền vung tay mua sắm dịp gần Tết. Nhưng do không biết ước lượng thành ra việc sắm Tết thừa mứa, lãng phí.
Tết Giáp Thìn đã cận kề, những ngày này thị trường hàng hóa phục vụ Tết vô cùng sôi động. Từ chợ hoa, cây cảnh đến thị trường hàng bánh mứt kẹo, đồ uống… Không chỉ ở thị trường truyền thống, trên các chợ mạng hoạt động mua bán cũng diễn ra sôi nổi, các thông điệp “Xả hàng dọn kho đón Tết”, “Quà Tết rinh ngay, nhận ngay lì xì”… đang được các cửa hàng nhấn mạnh với đợt giảm giá sâu để kích cầu mua sắm. Dòng tiền của người dân chi tiêu cho mua sắm dịp này cũng tăng đột biến.
Ngoài mua sắm Tết cho gia đình, nhiều người còn mua biếu hai bên nội ngoại, họ hàng ở quê, bạn bè, đối tác… Quà Tết cũng rất đa dạng. Mấy năm nay, kể từ khi đi làm có lương, thưởng Tết, đặc biệt là khi sắm được ô tô, mỗi năm anh họ tôi đều mua các thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, mắm, mì chính, bánh kẹo phân thành các suất để mang về quê biếu cho các cô, chú họ hàng. Anh bảo nhà có 7 người cô, chú, tuy bây giờ điều kiện ở quê cũng khá đủ đầy nhưng anh đi làm xa quanh năm, cả năm cũng chỉ có dịp này để về quê gặp gỡ đông đủ mọi người nên anh muốn có chút quà biếu các cô, các chú. Vì vậy ngoài tiền mừng tuổi, vợ chồng anh còn mua quà. Một người chị khác thì lấy chồng ở Gia Lộc nên năm nào chị cũng đặt biếu mỗi nhà một cân giò lụa… Cứ thế, mỗi người một chút quà, cộng thêm với việc mua sắm của mỗi gia đình thành ra nhiều năm thành dư thừa. Chú ruột tôi từng kể: Con cái lớn giờ đều ra ở riêng cả, nhà chỉ còn hai ông bà già ăn uống chả đáng là bao, vậy mà có năm được biếu tới 5-7 cân giò các loại: nào giò xào, giò bò, giò gà, giò me, giò trâu… Tủ lạnh ngày Tết cứ đầy phè ra. Có năm để tới ra giêng ăn vẫn không hết, đành bỏ đi dù tiếc. Nhà tôi cũng từng có những năm bị lãng phí như vậy. Do tâm lý Tết phải đủ đầy nên tôi đã mua rất nhiều thực phẩm dự trữ trong dịp Tết, thịt lợn, xương, thịt bò… mỗi thứ chia làm mấy túi. Sau rồi lại được người này cho một ít, người kia biếu một ít… Và rồi với tính đãng trí nhớ trước quên sau của tôi, một số túi thực phẩm tươi sống đó đã bị bỏ quên biến thành ôi thiu.
Năm nào mấy ngày sau Tết tôi cũng thấy chị lao công khu tôi oằn mình dọn dẹp. Chị bảo trong rác Tết có rất nhiều đồ dư thừa bị bỏ đi do ôi thiu hoặc ăn không hết, rất lãng phí.
Nhìn cách sắm Tết bây giờ của nhiều người tôi lại nhớ thời bao cấp. Cuộc sống khi ấy còn khó khăn, mọi thứ mua bằng tem phiếu và chỉ có giới hạn. Gần Tết, mẹ tôi lại đau đầu tính toán để sắm sao cho đủ 3 ngày Tết. Ít nên không có chuyện dư thừa, mọi thứ đều được tính toán sao cho hợp lý nhất. Bây giờ đã cách thời ấy rất xa. Các dịch vụ, hoạt động thương mại giờ cũng khác, “có tiền mua tiên cũng được”, thích tự tay lựa chọn thì tới chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị; không có thời gian thì lên mạng mua rồi họ gửi tận tay, chỉ mất thêm phí chuyển phát. Cửa hàng, cửa hiệu và các chợ đều mở cửa tới gần giao thừa. Và thường mùng 2 Tết nhiều nơi đã mở cửa trở lại.
Bởi vậy, mỗi người cũng nên sắm Tết vừa đủ, không nên “vung tay” quá, vừa giảm bớt áp lực chi tiêu cuối năm, vừa tránh lãng phí. Nên lập một danh sách những thứ cần mua theo các nhóm hàng, định lượng mỗi thứ, đặc biệt cần tự định ra hạn mức chi tiêu sắm Tết để khống chế số tiền chi tiêu trong chừng mực.
Tết đủ thôi, đừng thừa!
KIM THANH