Người tiêu dùng cần trang bị những kinh nghiệm để bảo vệ túi tiền và sức khỏe của gia đình và bản thân trong dịp Tết trước nạn bánh kẹo giả, nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay.
Càng cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các mặt hàng giỏ quà, bánh kẹo rất đa dạng, phong phú tại các cửa hàng, chợ truyền thống. Tuy nhiên, trong số đó một số tiểu thương lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng tung ra nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm Tết giá rẻ, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khoẻ của người mua hàng.
Anh Đăng Khoa, người có nhiều năm trong kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo chia sẻ một số kinh nghiệm giúp người dùng có thể phân biệt bánh kẹo thật, giả cũng như lựa chọn mua hợp lý trong dịp Tết.
Theo anh Khoa, hiện nay trên thị trường, để nhái các thương hiệu nổi tiếng mà không bị luật bản quyền, các sản phẩm hàng giả, hàng nhái sẽ có tên khác bánh kẹo thật từ 1-2 chữ cái, đọc na ná như nhau.
Ví dụ, sản phẩm bánh chính hãng trên thị trường có tên Cosy, thì bánh nhái là “Gosy” hay “Cosi”; bánh thật tên Danisa, còn bánh giả là “Camisa”; bánh thật tên Tipo, bánh nhái lại thành “Tippo”... Ngoài ra, tên của thương hiệu giả có thể phát âm giống với thương hiệu thật như “Choco-Pie” và “Choco Pai”, “Custas” và “Custard” hay “Alpenliebe” và “Annabella”…
“Do vậy, trước khi mua bất kỳ loại sản phẩm nào, người tiêu dùng nên quan sát kỹ tên thương hiệu. Nếu thấy có hiện tượng lạ, hãy lên tìm kiếm tại các phương tiện truyền thông, Google để kiểm tra lại tên nhãn hàng có chính xác hay không,” anh Khoa nói.
Bao bì và đóng gói là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên nay các sản phẩm giả, nhái có độ hoàn thiện cao gần giống hàng chính hãng tuy nhiên vẫn có một số điểm để người tiêu dùng có thể phát hiện ra.
Đối với hàng chính hãng, bao bì của sản phẩm chính hãng thường được thiết kế đẹp mắt, bắt mắt, sắc nét, có đầy đủ thông tin về sản phẩm như thành phần bánh, hàm lượng năng lượng, đơn vị sản xuất, hạn sử dụng… cụ thể. Trái ngược, bao bì của sản phẩm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường có thiết kế đơn giản, in ấn mờ nhạt, địa chỉ cơ sở sản xuất chung chung, một số còn không có hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, để xác nhận chất lượng của sản phẩm bánh kẹo dễ dàng nhất đó là phần hình thức và bên trong bởi hộp bánh, kẹo giả nhái bên trong vô cùng sơ sài. Ví dụ, hộp bánh Danisa chính hãng bên trong gồm có nhiều loại khác nhau, mỗi loại được để ở ô riêng cùng vỏ giấy thấm dầu, còn bánh Danisa giả bên trong chỉ có duy nhất một loại bánh, sắp xếp hỗn loạn chung một khay.
Tem chống hàng giả là một biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Các “gian thương” có thể làm nhái tem chống hàng giả để hòng qua mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, ta vẫn có thể nhận biết thông qua một số cách.
Đầu tiên, người dùng có thể dùng đèn soi tia cực tím để kiểm tra, với tem chống hàng giả thật sẽ hiển thị đầy đủ thông tin doanh nghiệp cũng như ký hiệu bảo an của Bộ Công an. Ngược lại, với tem chống hàng giả “nhái”, bề mặt tem sẽ không hiển thị các thông tin này. Bên cạnh đó, người dùng có thể quan sát ở nhiều phía khác nhau bởi tem thật hiện nay sẽ có mã vạch phản quang 7 màu, còn tem giả thì không.
Tiếp đó, người tiêu dùng có thể truy cập website của nhà sản xuất, nhập mã số và mã vạch của tem chống hàng giả để xác nhận. Các sản phẩm hiện nay đều có mã vạch và QR nên rất dễ để kiểm tra thương hiệu, thông tin về sản phẩm trên thị trường bằng sử dụng các ứng dụng trên smartphone như iCheck, Barcode Việt…
Ngoài những các cách thức trên, trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm là cách làm đơn giản và hiệu nghiệm nhất để xác nhận tình trạng thật/giả của sản phẩm bánh kẹo.
Các loại bánh kẹo, mứt từ các cơ sở sản xuất hàng kém chất lượng thường có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng thường là do sử dụng màu công nghiệp phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng. Thêm vào đó, mùi hương hay vị của bánh kẹo hàng giả, hàng nhái sẽ có chất lượng thấp, bị mủn, bột và mùi vị không thể giống hệt như bánh kẹo thật. Cùng tạo ra một vị chua, vị ngọt nhưng khi sản xuất sử dụng thành phần chưa được cấp phép thì vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như thường.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các loại bánh kẹo có màu sắc lòe loẹt là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, do quy trình sản xuất không kiểm soát chất lượng, không bảo đảm vệ sinh nên bánh kẹo giả có nguy cơ cao bị nhiễm kim loại nặng như aluminum, chì cũng như các vi khuẩn như Salmonella, E. coli và nhiều vi sinh vật có hại khác dẫn đến đe dọa đến sức khỏe người dùng.
Bên cạnh việc kiểm tra độ thật/giả của các sản phẩm bánh kẹo trong dịp Tết thì anh Khoa cũng lưu ý thêm rằng người tiêu dùng có thể tìm đến một phương án đơn giản hơn đó là tìm mua ở các đơn vị, cửa hàng uy tín.
Hiện nay trên thị trường có vô vàn các tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hang bánh kẹo trong dịp Tết để phục vụ người dân mua sắm. Một số tiểu thương nhỏ lẻ, tạp hoá vì muốn trục lợi nên thường sản xuất các sản phẩm giá rẻ đánh vào tâm lý người mua. Đối với các đơn vị kinh doanh lớn, họ thường cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuy giá thành có cao hơn một chút so với sản phẩm nhái nhưng bù lại giá cả niêm yết rõ ràng, không bị chặt chém, ép giá...
Một số siêu thị, hệ thống kinh doanh bánh kẹo uy tín dịp Tết người tiêu dùng có thể tham khảo như các hệ thống siêu thị lớn gồm WinMart, Lotte, BigC, AeonMall... Những nơi này thường cung cấp đa dạng các loại bánh kẹo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các cửa hàng bánh kẹo thương hiệu lâu năm, có thương hiệu uy tín cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.
TB (theo Vietnam+)