Nông nghiệp - Nông thôn

Sâm Nam núi Dành được phân phối độc quyền tại thị trường Hoa Kỳ

TB (theo Công thương) 03/04/2024 22:00

Vừa qua, một doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã ký hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm sâm Nam núi Dành (Tân Yên, Bắc Giang) tại thị trường này.

Hiện vùng trồng sâm chuyên canh của Tân Yên đã đạt 125 ha

Bước chân vào thị trường Hoa Kỳ

Năm 2020, UBND huyện Tân Yên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý núi Dành cho sản phẩm sâm Nam.

Đến nay, sản phẩm sâm Nam núi Dành được phát triển thành hàng hóa và là sản phẩm OCOP 4 sao của địa phương. Từ sản phẩm đã từng mai một trở thành cây có giá trị kinh tế cao nhờ liên kết sản xuất sâm Nam núi Dành đã phát triển, nhân rộng vùng trồng sâm chuyên canh lên 125 ha tại các xã Việt Lập, Liên Chung, thị trấn Cao Thương.

Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết thời gian qua, UBND huyện Tân Yên đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu chủ động tổ chức triển khai và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Nam.

Theo đó, Tân Yên đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ Đề án Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027; tập trung chỉ đạo người dân sản xuất tập trung theo chuỗi; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất sâm Nam đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ; tuân thủ các quy định đối với mã số vùng trồng trong khâu sản xuất.

“Năm 2024, diện tích sâm Nam núi Dành đã và đang thu hoạch trên 115 ha, trong đó có trên 18 ha cho thu hoạch củ sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115 ha cho thu hoạch hoa sản lượng ước đạt năm 2024 dự kiến trên 60 tấn”, ông Hưng cho hay.

Thời gian thu hoạch hoa sâm dự kiến từ 15/8 đến 30/9 hàng năm. Hiện nhiều sản phẩm từ cây sâm đã được chế biến thành nhiều sản phẩm như: hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi dành, rượu sâm, trà hoa sâm... và sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng trong thời gian tới.

Tại hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành được huyện Tân Yên tổ chức vào ngày 30/3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ với các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ trồng sâm tại Tân Yên. Trong đó, sản phẩm sâm Nam núi Dành đã được một doanh nghiệp tại Hoa Kỳ ký hợp đồng độc quyền phân phối tại thị trường Hoa Kỳ. Đây là cơ hội để sản phẩm sâm của Tân Yên vươn ra thị trường thế giới và được người tiêu dùng biết đến.

Công ty iBeneTor USA ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và thương mại sâm Nam núi Dành độc quyền phân phối sản phẩm sâm tại thị trường Hoa Kỳ

Ông Võ Diệp, Giám đốc Phát triển chiến lược và thị trường Hoa kỳ - Việt Nam - Công ty iBeneTor USA cho biết: Nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm sâm Nam núi Dành với thành phần 50 hoạt chất rất tốt cho sức khỏe, chúng tôi đã quyết định ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền sản phẩm sâm Nam núi Dành sang thị trường Hoa Kỳ với Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và thương mại sâm Nam núi Dành.

Được biết, Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và thương mại sâm Nam núi Dành đã liên kết và sản xuất, thương mại với 11 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 25 hộ trồng sâm với quy mô vùng trồng 31 ha. Hiện doanh nghiệp này cũng có một hệ thống thương mại và 2 cơ sở sản xuất chế biến, 2 vùng bảo tồn trồng và phát triển sâm Nam núi Dành với quy mô 9,5 ha.

Theo ông Võ Diệp, với sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên, iBeneTor USA đã từng bước thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu và đưa nhiều sản phẩm thương mại, thúc đẩy thương mại, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Mỹ và các nước ASEAN +3.

Sâm Nam núi Dành có hàm lượng saponin cao tương đương với sâm Hàn Quốc

Ông Võ Diệp nhận xét, từ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, sâm Nam núi Dành có hàm lượng saponin cao, có thể đưa vào ứng dụng và chế biến sâu và cho ra nhiều sản phẩm đáp ứng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị của thị trường. Do đó, dư địa cho phát triển sâm Nam núi Dành rất lớn.

Tuy nhiên, ông Võ Diệp chỉ ra, hiện thách thức cho phát triển sản phẩm này còn rất lớn. Đó là tạo sự liên kết sản xuất của các hộ trồng sâm với các hộ kinh doanh cá thể cũng như với các đơn vị truyền thông, các hợp tác xã, đặc biệt là sự liên kết mật thiết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thêm vào đó, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các nhà khoa học để ngay từ đầu người trồng sâm, các hộ kinh doanh cá thể, các hợp tác xã thực hiện theo đúng quy trình, trồng và sản xuất cây sâm Nam núi Dành theo mô hình hữu cơ.

Phát huy vai trò truyền thông trong quảng bá sản phẩm


Nói về công tác truyền thông nhằm hỗ trợ thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ cho sản phẩm sâm Nam núi Dành, ông Trần Văn Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang cho biết truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của sâm núi Dành; là cầu nối tạo ra cơ hội hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, phân phối, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sâm núi Dành. Đồng thời, truyền thông quảng bá vùng đất, con người nơi phát tích cây sâm quý cũng là nơi có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để phát triển du lịch…

Lãnh đạo huyện Tân Yên cùng các nhà khoa học và cơ quan quản lý đi khảo sát vùng trồng sâm Nam núi Dành

Ông Trần Văn Đức lấy dẫn chứng, thành công từ trái vải thiều Bắc Giang mà huyện Tân Yên có đóng góp đáng kể về sản lượng. Đây được coi là “điển hình của nông sản Việt”, là niềm tự hào của quê hương Bắc Giang. Kinh nghiệm truyền thông về vải thiều rất đáng để việc truyền thông về sâm núi Dành học hỏi. Trong một thời gian dài, vải thiều được truyền thông ở ba kênh chính là: Thông qua các sự kiện hội nghị, hội thảo, hội chợ; thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; thông qua mạng xã hội.

“Đáng lưu ý là việc truyền thông qua mạng xã hội vừa chi phí thấp mà lại dễ dàng. Nếu như hàng ngày, hàng giờ người trồng sâm, người bán các sản phẩm sâm, người làm du lịch cộng đồng về sâm chăm chỉ đăng ảnh, video lên mạng xã hội, đăng lên trang web chắc chắn sẽ giúp lan tỏa giá trị của sâm núi Dành một cách rộng rãi và hiệu quả”- ông Đức hiến kế.

Ông Trần Văn Đức (đầu tiên bên trái) và Bí thư Huyện ủy Tân Yên Đinh Đức Cảnh cùng nhà khoa học thăm quan gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm sâm Nam núi Dành

Ông Đức cũng khẳng định, thời gian gần đây, bằng những cách làm trên việc truyền thông về sâm núi Dành đã bước đầu phát huy hiệu quả. Minh chứng là vào công cụ tìm kiếm Google gõ chữ “sâm núi Dành”, chưa đầy 1 giây đã cho hơn 2,3 triệu kết quả. Nhờ đó, sản phẩm sâm núi Dành đã được nhiều người tiêu dùng ở trong tỉnh, trong nước biết đến…

Theo ông Trần Văn Đức, thời gian tới, câu chuyện về sâm tiến vua, những người trồng sâm tâm huyết, những kết quả nghiên cứu khoa học, những ý tưởng mới, sản phẩm mới, mô hình sản xuất kinh doanh mới và sự thân thiện, mến khách của con người vùng trồng sâm với khách du lịch… chắc chắn là những câu chuyện truyền cảm hứng cho tất cả những ai muốn đẩy mạnh truyền thông và hiểu thêm về sâm núi Dành.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp, một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid, hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các hoạt chất này càng cao, giá trị kinh tế càng cao. Hoạt chất saponin trong sâm có tác dụng dược tính cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như: Axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa, làm long đờm, chữa ho...

TB (theo Công thương)
(0) Bình luận
Sâm Nam núi Dành được phân phối độc quyền tại thị trường Hoa Kỳ