Sai phạm trong quản lý đất đai ở Thái Thịnh

09/12/2014 04:42

Việc UBND xã Thái Thịnh (Kinh Môn) tự ý bán đất khu giãn dân thôn Nhất Sơn là nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài tại đây...



Từ việc cấp đất cho ông Nguyễn Văn Tuấn vi phạm hành lang bảo vệ cống An Trung,
 dẫn đến hậu quả phải đền bù hơn 1 tỷ đồng


Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Nhất Sơn, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) có 150 m2 đất thuộc hành lang bảo vệ cống An Trung nhưng vẫn được cấp "sổ đỏ". Từ sai phạm này dẫn đến việc khi làm cống An Trung (mới) đã gây nứt nhà, sân và tường bao nhà ông Tuấn, phải đền bù hơn 1 tỷ đồng.

Bán cả đất hành lang bảo vệ đê, cống


Năm 1998, UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 quyết định số 62/QĐ-UB ngày 13-1-1998 và số 2997/1998/QĐ-UB ngày 11-11-1998, cho phép UBND xã Thái Thịnh được chuyển 12.000 m2 đất cấy lúa, đất thùng, ao ở khu bãi trong bến Tống, thuộc thôn Nhất Sơn làm khu dân cư, trong đó có 9.150 m2 được quy hoạch làm đất ở, 2.850 m2 làm đường đi và lưu không đê, cống. Vị trí khu đất bám dọc tuyến đê hữu sông Kinh Thầy, từ cống An Trung đến chùa Thái Thịnh. Những hộ đủ tiêu chuẩn giãn dân sẽ được mua bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo quy trình, huyện Kinh Môn phải giao cho xã Thái Thịnh phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện lập bản đồ chi tiết, lên phương án thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng và phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, trình UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên, UBND huyện Kinh Môn đã không thực hiện mà để UBND xã Thái Thịnh tự làm. Tháng 7-1999, UBND xã Thái Thịnh tự lập bản đồ quy hoạch, thuê san lấp một phần diện tích ao, thùng, sau đó phân lô và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Do không có người đấu giá nên sau đó UBND xã Thái Thịnh tổ chức bán đất cho người dân theo hình thức thỏa thuận. Đến năm 2004, hầu hết các hộ mua đất đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Tổng diện tích đất được cấp "sổ đỏ" là 11.402 m2

Không những bán đất trái thẩm quyền, UBND xã Thái Thịnh còn bán đất hành lang bảo vệ cống An Trung cho người dân. Các hộ này đều đã được UBND huyện Kinh Môn cấp giấy CNQSDĐ. Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kinh Môn, cống An Trung (cũ) có thiết kế lưu lượng nước 20,16 m3/giây. Đối chiếu với quy định của UBND tỉnh, hành lang bảo vệ cống phải là 18,5 m. Như vậy, có ít nhất 2 gia đình vi phạm hành lang bảo vệ cống, gồm hộ ông Nguyễn Văn Tuấn (diện tích đất 150 m2, số thửa 198, tờ bản đồ số 01) và bà Nguyễn Thị Hẹn (diện tích đất 178 m2, số thửa 199, tờ bản đồ số 01). Hiện tường bao nhà ông Tuấn được xây gần sát cống.

Ngày 1-1-2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư xây lại cống An Trung. Sau gần 1 tháng thi công, toàn bộ công trình nhà ông Nguyễn Văn Tuấn, gồm ngôi nhà 3 tầng, nhà bếp, tường bao, sân bị ảnh hưởng nặng. Đặc biệt ngôi nhà 3 tầng bị nghiêng, nứt cả tường và trần nhà. Chủ đầu tư đã phải đền bù ông Tuấn gần 1 tỷ 31 triệu đồng. Số tiền này được trích từ ngân sách tỉnh.

UBND xã Thái Thịnh còn tham mưu cho UBND huyện Kinh Môn cấp giấy CNQSDĐ cho 4 hộ dân ở ngoài đê (đối diện khu giãn dân), gồm hộ các ông, bà: Nguyễn Văn Tuấn (giấy CNQSDĐ số BH438849, số thửa 12, tờ bản đồ 01, diện tích 182 m2), Nguyễn Văn Tuyên (giấy CNQSDĐ số BH438952, số thửa 274, tờ bản đồ 01, diện tích 182 m2), Nguyễn Thị Tuyền (giấy CNQSDĐ số BH438951, số thửa 272, tờ bản đồ 01, diện tích 164 m2) và Trần Văn Chung (giấy CNQSDĐ số AB777701, số thửa 485, tờ bản đồ 08, diện tích 209 m2). Ngoài những hộ đã được cấp "sổ đỏ", khu vực này còn có 12 gia đình tự ý xây dựng công trình trông coi bãi vật liệu xây dựng, khu nuôi thủy sản... Toàn bộ những công trình này đều nằm gần chân đê, vi phạm hành lang bảo vệ đê.

Mua đất ở, giao đất vườn


Theo các quyết định của UBND tỉnh, toàn bộ diện tích đất khu giãn dân ở thôn Nhất Sơn là đất làm nhà. Tuy nhiên, trong các giấy CNQSDĐ mà UBND huyện Kinh Môn cấp cho người dân lại chỉ có một phần đất ở, còn lại là đất vườn thừa. Diện tích đất ở, đất vườn thừa ghi trong giấy "sổ đỏ" cũng không theo quy định nào. "Sổ đỏ" nhà ông Nguyễn Phồn Đoàn, tổng diện tích 150 m2 (50 m2 đất ở, 100 m2 đất vườn thừa); ông Nguyễn Văn Tú, tổng diện tích 300 m2 (100 m2 đất ở, 200 m2 đất vườn thừa); ông Lương Văn Toan, tổng diện tích 180 m2 (150 m2 đất ở, 30 m2 đất vườn thừa)... Như vậy, về nguyên tắc, hơn 100 hộ dân ở khu giãn dân thôn Nhất Sơn muốn làm nhà trên diện tích đất mà mình đã bỏ tiền ra mua lại phải nộp tiền chuyển đổi mục đích thêm một lần nữa.

Làm việc với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kinh Môn thừa nhận việc UBND xã Thái Thịnh tự ý bán đất khu giãn dân thôn Nhất Sơn cho người dân là vi phạm pháp luật. Vị lãnh đạo này cho rằng, đây là "lịch sử để lại" và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận tại đây. Về việc người dân bỏ tiền mua đất ở nhưng "sổ đỏ" lại ghi có cả đất vườn, vị lãnh đạo này nói: "Sở dĩ có việc trên là do hạn mức đất ở nông thôn tại thời điểm bấy giờ chỉ quy định như vậy. Tuy nhiên, người dân cứ hiểu tổng diện tích đất đã mua ghi trên sổ là đất ở. Sau này, có điều kiện, huyện sẽ sửa hồ sơ gốc thành đất ở để cấp lại cho người dân".

Theo chúng tôi, những sai phạm diễn ra trong quá trình thực hiện quyết định khu giãn dân thôn Nhất Sơn, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND huyện Kinh Môn vì đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại 2 quyết định số 62/QĐ-UB số 2997/1998/QĐ-UB. Việc UBND xã Thái Thịnh tự ý bán đất là vi phạm Luật Đất đai 1993. Cần  làm rõ vì sao diện tích thực tế đã được cấp "sổ đỏ" cao hơn diện tích do UBND tỉnh phê duyệt là 2.252 m2.

SỸ THẮNG

Điểm d, khoản 3, điều 23, Luật Đất đai năm 1993 quy định về thẩm quyền giao đất sử dụng vào mục đích làm nhà ở: "Việc giao đất khu dân cư nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở thuộc thẩm quyền của UBND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh".


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai phạm trong quản lý đất đai ở Thái Thịnh