Cuốn "Việt Nam phong tục" giải thích nguồn gốc các tập quán, tôn vinh bản sắc và phê phán hủ tục kìm hãm phát triển.
Sách tập hợp những bài viết của Phan Kế Bính (1875-1921) đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1913-1914. Sống trong giai đoạn văn minh phương Tây dần du nhập và đất nước đứng trước xáo trộn lớn, tác giả - vốn là nho sĩ, từng đỗ cử nhân Hán học - cho thấy tư tưởng tiến bộ. Hiện ấn phẩm 108 năm tuổi này vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về phong tục tập quán Việt Nam.
Nội dung gồm 47 mục, chia thành ba chương: Phong tục trong gia tộc, Phong tục làng xã, Phong tục xã hội nói chung, thể hiện rõ hệ thống quan hệ mà mỗi người phải trải qua - từ anh chị em chung huyết thống, họ hàng đến xóm giềng, cao hơn nữa là bổn phận và trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.
Thông tin được nhà biên khảo chắt lọc, trình bày ngắn gọn. Từ tên gọi, nguồn gốc hình thành, mô tả đặc trưng đến cách thức diễn ra hay sự khác biệt của cùng một tập quán giữa các địa phương được diễn giải cặn kẽ. Độc giả có thể hiểu thêm về nếp xưa, thói cũ như hội hè, lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, cưới xin. Bên cạnh đó là chuyện về cách ăn mặc, kiêng khem, tôn giáo, chính trị.
Phan Kế Bính trực tiếp đánh giá điều hay, dở ở từng phong tục với quan điểm: Tập quán nhân văn phải gìn giữ, nhưng cần bỏ bớt tập tục cổ hủ - yếu tố kìm hãm sự phát triển của cá nhân, xã hội. Ông lý giải người xưa không sai lầm, chỉ là thời thế thay đổi, mỗi lần cải tiến, trình độ khai hóa lại tăng thêm một tầng. "Ấy cũng là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Tuy vậy tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ đổi ngay được. Muốn đổi phải lựa dần dần", tác giả viết.
Ở mục Phong tục trong hương đảng, tác giả cho rằng tệ đoan lớn nhất làng xã thời xưa là đề cao miếng ăn, coi trọng "trả nợ miệng". Tác giả dẫn chứng nhiều gia đình dù nghèo khó đến mấy, khi có chuyện hiếu hỷ hay buồn thảm đều thết đãi người thân, làng xóm linh đình, đủ món ngon, bất kể phải vay mượn.
Tục coi trọng miếng ăn cũng gắn với thói trọng thể diện, đạo đức giả, dẫn đến quan niệm "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp". Hay lúc ma chay, con cháu thi nhau khóc để họ hàng, chòm xóm nghe thấy đặng còn thể hiện lòng xót thương, hiếu thảo.
Tác giả còn phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi như nhảy đồng, gọi hồn, trừ tà trị bệnh, xem đất táng. Ông cho rằng các quốc gia phương Tây vẫn phát triển mạnh, giàu có mà không cần tin số mệnh lẫn tục này.
Phan Kế Bính quê ở Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàn Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, là nhà biên khảo, dịch thuật, nhà văn và nghiên cứu văn hóa dân tộc. Đỗ cử nhân Hán học ở cuộc thi Hương năm 1906, thay vì làm quan, ông gia nhập làng báo.
Ông hưởng ứng phong trào Duy Tân qua việc viết sách báo công khai. Tác giả từng cộng tác với các tờ Đăng cổ trùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí... Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Tam Quốc diễn nghĩa (dịch, 1907), Nam Hải dị nhân (truyện ký, 1909), Hưng Đạo Đại vương truyện (truyện ký, 1916), Việt Nam khai quốc chí truyện (dịch, 1917), Việt Hán văn khảo (nghiên cứu văn học, 1918).
Theo VnExpress