Phù Liễn được công nhận là làng nghề đầu tiên trong tỉnh về trồng hoa, cây cảnh. Trong khi nhiều làng nghề đang mai một thì nơi đây lại có sức vươn mạnh mẽ, đời sống người dân ngày càng ấm no.
Diện tích trồng hoa, cây cảnh ở Phù Liễn ngày một tăng nhanh, hiện cả làng đã có gần 50% số hộ làm nghề này
Từ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, làng Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) đã "thay da, đổi thịt", đời sống nhân dân thêm ấm no. Hoa, cây cảnh đã gắn với tên làng Phù Liễn.
"Yêu hoa trẻ lâu"
Khách xa gần đến Phù Liễn đều dễ dàng nhận thấy không gian xanh mát, rực rỡ sắc màu của các loài hoa khoe sắc từ cánh đồng đến các mảnh vườn, góc sân ở mỗi gia đình. "Yêu hoa trẻ lâu" là câu nói thường xuyên mà cũng là niềm tự hào của đông đảo người trồng hoa, cây cảnh trong làng. Phải chăng công việc làm đẹp cho đời bằng nghề trồng hoa và cây cảnh gắn bó với người dân nơi đây hàng chục năm đã dần hình thành nên tính cách của họ. Người trồng cây phải tươi tắn, rạng rỡ thì hoa mới thắm tươi, khoe sắc - đó cũng chính là tâm thế, kinh nghiệm được nhiều người trồng hoa trong làng truyền tai nhau.
Theo ông Nguyễn Hữu Chiếu, Trưởng thôn Phù Liễn, trồng hoa, cây cảnh không phải nghề lâu đời ở thôn. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bắt nguồn từ một số người, chủ yếu là cán bộ hưu trí về nghỉ ở làng như các ông: Đặng Minh Trí, Phan Lạc Nghiệp, Phan Lạc Đạo, Đặng Đức Yên đã mua giống về trồng trong vườn nhà nhằm tạo không gian xanh mát. Sau đó, một số gia đình bắt đầu mang cây hoa ra trồng ngoài ruộng. Những năm 1994, 1995, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hoa, cây cảnh, nhất là ở các đô thị ngày một lớn, nhiều người dân bỏ trồng lúa sang trồng hoa. Lúc đầu chỉ có khoảng 40 hộ trồng những loài hoa dân dã như cúc, thược dược, hồng và một số ít trồng đào trên tổng diện tích hơn 2 ha.
Không ai ngờ số hộ và diện tích trồng hoa, cây cảnh ở Phù Liễn ngày một tăng nhanh. Hiện nay, cả làng đã có tới 165 hộ (chiếm gần 50% tổng số hộ) với hơn 30 ha chuyên trồng hoa, cây cảnh. Người dân trồng nhiều nhất là đào, hoa cúc, còn lại là các loài thược dược, ly, hồng, lay ơn, lan, cây cảnh... Hộ ít trồng vài chục m2, hộ nhiều lên tới hơn 12.000 m2. Mỗi năm làng cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu cành, cây hoa, cây cảnh các loại. Bình quân mỗi ha đất trồng hoa đang tạo việc làm cho gần 15 lao động.
Nghề trồng hoa, cây cảnh đã mang lại đời sống kinh tế ấm no cho người dân nơi đây. 364 hộ dân trong làng hầu hết có nhà kiên cố, cao tầng khang trang. Làng hiện có 1.231 nhân khẩu, thu nhập bình quân 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,37%. Đường làng, ngõ xóm được trải bê tông thênh thang, rộng rãi. Năm 2019, Phù Liễn được công nhận là làng nghề đầu tiên trong tỉnh có nghề trồng hoa, cây cảnh. Niềm vui càng nhân lên khi UBND tỉnh vừa quyết định cho phép Hội Nông dân xã Hồng Phong sử dụng tên làng nghề "Phù Liễn" để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hoa, cây cảnh của địa phương.
Mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Chiến cung cấp cho thị trường gần 3 triệu cây hoa giống các loại
Khắc chế thời tiết
Trong khi nhiều làng nghề đang mai một thì làng nghề Phù Liễn lại có sức vươn mạnh mẽ. Với bản tính cần cù, chịu khó, người dân Phù Liễn không chỉ biết tận dụng đất đai màu mỡ mà còn không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt khó, nâng cao năng suất, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, từ sự miệt mài "một nắng hai sương", nhiều người trồng hoa ở Phù Liễn ứng dụng tiến bộ công nghệ để khắc chế những bất thường của thiên nhiên, "uốn" cây nở hoa theo ý muốn.
Anh Nguyễn Văn Chiến được biết đến là người đi đầu ở Phù Liễn trong việc mở rộng quy mô, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Gắn bó với cây hoa, cây cảnh nhiều năm, anh luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất hiệu quả, để cây hoa sinh sôi nảy nở. Điều đầu tiên anh nghĩ đến là phải có diện tích trồng lớn. Dù điều kiện kinh tế còn eo hẹp, anh tranh thủ từ nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, mượn của người thân, bạn bè để thuê, mua lại đất của người dân trong làng. Cần cù tích tụ, hiện anh có 1,2 ha đất chủ yếu gây giống hoa cúc. Để sản xuất bền vững, an toàn, ít bị tác động của thời tiết, năm 2016 anh Chiến đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới rộng 10.000 m2. Từ nguồn vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 900 triệu đồng, anh Chiến từng bước nâng cao chất lượng cây giống. Sản phẩm của gia đình anh được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng. Mỗi năm, anh thu lãi 300 - 400 triệu đồng từ bán cây giống. Anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. "Do chuyên sản xuất cây giống hoa nên tôi cần có diện tích lớn để luân canh. Cây giống cũng cần có môi trường sinh trưởng, phát triển ổn định, nếu không có hệ thống nhà màng, nhà lưới sẽ kém hiệu quả. Vì vậy, tôi liên tục tìm tòi, học hỏi cách chọn tạo cây giống từ khâu làm đất, bón phân...", anh Chiến say mê chia sẻ về nghề. Ngoài tự tạo cây giống, anh Chiến còn nhập một số giống hoa để cung cấp cho bà con trong thôn ươm trồng.
Cũng như nhà anh Chiến, hệ thống nhà màng, nhà lưới đang không ngừng được các hộ trồng hoa, cây cảnh ở đây đầu tư mở rộng. Cả làng đã có khoảng 25.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Gắn bó với nghề nhiều năm, hầu hết người dân trong làng đều nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh để cho hiệu quả cao. Nhiều gia đình đã làm chủ kỹ thuật nhân giống một số loài hoa khó gây giống như hồng, lan, ly...
Trước đây, người trồng đào luôn mất ăn mất ngủ nghe ngóng thời tiết. Đặc biệt là những tháng áp Tết Nguyên đán. Năm nào thời tiết thuận thì người trồng đào nở mày nở mặt, còn không thì dễ trắng tay.
Ông Nguyễn Văn Bình nhiều năm gắn bó với cây đào cho biết: "Từ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, hiện nay chúng tôi có nhiều cách để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Quy trình ngắt, vặt lá, khoanh cây, đốn gốc được thực hiện đúng kỹ thuật. Đặc biệt, chúng tôi biết tính toán làm sao để đào có thể trổ hoa làm hai đợt. Nếu nắng ấm kéo dài thì đến Tết cây vẫn cho hoa đợt cuối. Do vậy, người dân rất yên tâm sản xuất".
Cửa hàng của anh Nguyễn Duy Nhất là nơi trưng bày, buôn bán hoa, cây cảnh của làng nghề Phù Liễn
Mở hướng mới cho làng nghề
Trò chuyện với cán bộ và nhiều người dân ở đây, chúng tôi thấy mọi người có chung một ước vọng là đưa làng nghề phát triển và trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. "Chúng tôi mong rằng các cấp, các ngành có quy hoạch, đầu tư để Phù Liễn sớm trở thành trung tâm sản xuất, buôn bán hoa, cây cảnh giống như một số mô hình rất hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành phố", ông Nguyễn Văn Xanh, Bí thư Chi bộ thôn Phù Liễn nói.
Phù Liễn khởi sắc như hôm nay có sự đồng hành, chung sức của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của người dân. Hệ thống giao thông, kênh tiêu thoát nước nội đồng được cứng hóa, cung cấp điện lưới bảo đảm nhu cầu sản xuất. Người dân làng nghề càng phấn khởi hơn khi hiện nay hơn 1 km các trục đường chính nội đồng đang được UBND tỉnh và xã đầu tư gần 3 tỷ đồng để bê tông hóa, rộng từ 3 - 3,5 m trở lên. Trước mắt, người dân mong muốn có đầu ra ổn định cho sản phẩm của làng, được thường xuyên nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật, nhất là sản xuất theo hướng hữu cơ để yên tâm mở rộng quy mô, đưa giống mới vào trồng. Địa phương cần dành quỹ đất ở khu vực dọc theo đường dẫn cầu Hàn giúp người sản xuất, kinh doanh có cơ hội mang những sản phẩm đẹp nhất của mình ra trưng bày, buôn bán. Đây cũng là cách xây dựng, quảng bá thương hiệu hiệu quả cho làng nghề đến với du khách thập phương.
Làng nghề phát triển sẽ là cơ hội tốt kéo theo nhiều loại hình dịch vụ khác phát triển. Một số người dân ở trong và ngoài xã nắm bắt thời cơ đã đến làng thuê đất mở cửa hàng bán hoa, cây cảnh, cung cấp trang thiết bị, đồ dùng phục vụ sản xuất cho bà con. Anh Nguyễn Duy Nhất ở đường Hai Bà Trưng (TP Hải Dương) cho biết hiện nay anh thuê 250 m2 đất ngay cổng làng làm chỗ buôn bán hoa, cây cảnh. Anh liên kết với một số hộ của làng tuyển chọn những sản phẩm đẹp để trưng bày và bán. Ngoài ra anh còn cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, xây dựng nhà màng, nhà lưới, tưới nước tự động, phân hữu cơ cho bà con. "Nếu có không gian để chúng tôi trưng bày sản phẩm chắc chắn sẽ phát triển được thêm nhiều dịch vụ khác như chụp ảnh, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, chụp ảnh cưới".
VŨ TRUNG