Ăn Tết xong là lúc cánh đồng trồng hoa đào ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách (Hải Dương) bắt đầu nhộn nhịp trở lại, người dân hối hả trồng đào.
Là một trong những vựa hoa đào lớn trong tỉnh, thôn Phù Liễn hiện có khoảng 20 ha trồng cây hoa đào, chiếm phần lớn diện tích trồng hoa ở làng nghề này. Năm nay, nguồn thu từ hoa đào của nông dân Phù Liễn không biến động nhiều so với năm ngoái. Những ngày này, người dân đang tất bật trồng lại, trồng mới các gốc đào để chuẩn bị cho mùa Tết năm sau.
Cùng ngắm không khí tất bật trên cánh đồng trồng hoa đào thôn Phù Liễn được phóng viên Báo Hải Dương ghi lại:
Đa số người dân ở đây nhập gốc đào từ Lạng Sơn về với giá từ 400.000 đến 2.500.000 đồng/gốc rồi trồng, ghép mắt
Những cây đào đã cho thuê trước Tết được người dân đưa về vườn để trồng lại
Người dân loại bỏ những cành nhỏ, chỉ giữ lại phần gốc lớn để khi trồng lại cây dễ sống và ra chồi mới hoặc ghép mắt khác
Ông Đặng Văn Vỹ trồng đào ở thôn Phù Liễn từ năm 1983 thành thạo ghép mắt cho gốc đào. 40 năm làm nghề, ông Vỹ đã ghép mắt cho hàng nghìn cây đào
Các gốc đào sau khi trồng được phủ rơm hoặc bèo, cỏ khô để giữ độ ẩm. Nông dân Phù Liễn thường mua rất nhiều rơm tích trữ từ vụ mùa để dùng dần khi trồng đào
Nhiều gốc đào trồng trước Tết cũng được lấy đất cũ ra để bổ sung đất mới vào ụ
Một trong những cây đào to, đẹp nhất ở thôn Phù Liễn đang chuẩn bị được trồng lại
Nhiều hộ trồng đào ở thôn Phù Liễn đã bắt đầu sử dụng máy móc để đào đất, đắp ụ, di chuyển đào nhằm tiết kiệm sức lao động
Đào không ưa nhiều nước, thời tiết như hiện tại chỉ cần tưới 1 lần mỗi tuần
Trong khi người dân thôn Phù Liễn nhập đào về thì vườn nhà anh Nguyễn Hữu Du (sinh năm 1979) đang xuất chuyến gốc đào đầu tiên đi một nhà vườn ở Lâm Đồng (Đà Lạt). Nhờ kết nối qua Hội trồng đào miền Bắc trên Facebook mà anh có được đơn hàng này, mỗi gốc đào xuất đi có giá khoảng 2 triệu đồng, tính cả tiền vận chuyển
PHONG TUYẾT