Tháng bảy triệu con tim ấm nóng của cả dân tộc hướng về tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Tháng bảy, tiết trời đỏng đảnh, lúc nắng như thiêu như đốt, lúc thì mưa như trút nước. Ngọn gió mùa hạ ngạo nghễ vắt trên tán cây, ngọn cỏ. Tháng bảy có một ngày rất đặc biệt, ngày mà cả dân tộc Việt Nam cùng hướng về những anh hùng liệt sĩ, những người đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cả tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Tháng bảy của ông nội tôi là những hoài niệm về bộ quân phục cũ, cùng vài kỷ vật sinh hoạt một thuở nơi chiến trường khốc liệt. Những đôi dép cao su, ba lô con cóc, ca uống nước trở thành kỷ vật thiêng liêng... Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 hằng năm, ông lại mang những kỷ vật ấy ra lau chùi sạch sẽ, ngắm nghía, hồi tưởng rồi cẩn thận đặt vào vị trí cũ cẩn thận. Mỗi lần thấy ông làm như vậy, mấy anh chị em chúng tôi, cả vài đứa trẻ hàng xóm nữa cứ xúm xít vây quanh tíu tít hỏi chuyện. Những câu chuyện nơi chiến trường ông kể hấp dẫn và giàu cảm xúc đã giúp bọn nhỏ chúng tôi hiểu được phần nào sự tàn khốc của chiến tranh. Trong những món đồ kỷ niệm đó, đặc biệt nhất phải kể đến chiếc ca ông mang từ chiến trường về.
Trên chiếc ca, ông khắc bài thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Có lần bà tôi khuyên ông: “Cái ca còn dùng được thì ông cứ mang ra để dùng”. Lúc đầu ông không đồng ý, bởi sợ hỏng nhưng sau ông cũng cho mang ra dùng... Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều chiếc cốc đẹp được mẹ tôi mua về nhưng trên bàn uống nước chiếc ca mang từ chiến trường về của ông vẫn hiện diện và thân thiết với mọi người trong nhà.
Tháng bảy, tôi theo chân những cựu chiến binh, lực lượng vũ trang và các ban, ngành, đoàn thể địa phương vào nghĩa trang thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7. Đêm ấy, cả nghĩa trang như có ngàn ánh sao lung linh không ngủ. Chúng tôi - những người trẻ hôm nay hiểu hơn về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và thêm biết ơn những gì cha ông đã dành cho hôm nay.
Tháng bảy, lẫn trong đoàn thắp hương tưởng niệm, tôi nghẹn ngào nghe câu hát trên đài truyền thanh: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im”.
Chiến tranh đã dần lui vào dĩ vãng, tôi tự hỏi vết thương chiến tranh ở nhiều vùng miền trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu đã liền chưa? Sao bài hát vẫn đọng lại trong tôi bao nghẹn ngào đến thế? Ở nhiều nghĩa trang trên đất nước hình chữ S này vẫn còn rất nhiều những ngôi mộ vô danh. Các anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước mà chưa thể trở về với đất mẹ. Không ít người mẹ, người vợ vẫn đau đáu khôn nguôi...
Tháng bảy rưng rưng, chúng ta thầm biết ơn những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước hôm nay.
MAI HOÀNG ANH