Rưng rưng bức thư của một chiến sĩ

30/04/2022 10:03

"... Bây giờ hòa bình thì mong sao được về thăm nhà, thăm làng xóm quê hương... nhưng với tình hình nhiệm vụ hiện nay không cho phép như vậy nên chúng con phải ở lại trong này tiếp tục làm nhiệm vụ nhân dân-Đảng, quân đội giao phó...".

Một trong những bức thư của liệt sĩ Vũ Xuân Mai gửi về gia đình lưu giữ được

Đó là những dòng chữ ở một trong những bức thư cuối cùng đề An Khê ngày 20.7.1975 của anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Mai gửi về cho mẹ và các em.

Khoác ba lô vào chiến trường khi 16 tuổi

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã An Châu (1930-2015) còn ghi, trong kháng chiến chống Mỹ, có trường hợp khai tăng tuổi để đủ điều kiện nhập ngũ, đó là ông Vũ Xuân Mai.

Ông Mai quê ở xã An Châu, Nam Sách (nay là xã An Thượng, TP Hải Dương). Ông sinh năm 1953 và vào chiến trường năm 1969, khi vừa 16 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc ở Gia Lương (Hà Bắc cũ), ông Mai được về qua nhà từ biệt gia đình rồi khoác ba lô vào chiến trường. Đó là một ngày mùa đông rét mướt. "Gia đình tiễn anh một đoạn đến đường 17 rồi quay lại. Dù biết chiến trường là khốc liệt, song không ai nghĩ, lời hẹn ngày gặp mặt khi đất nước toàn thắng không bao giờ thành sự thật, vì đó là chuyến đi cuối cùng của anh trai cho đến tận bây giờ", bà Vũ Thị Quế (em ruột ông Mai) nhớ lại.

Là một người anh, người đồng đội thân thiết của ông Mai, ông Hoàng Kim Thành vẫn nhớ, Mai nhỏ tuổi, gầy nhưng nhanh nhẹn, thuộc Đại đội 5 bộ binh của Trung đoàn 95. Đây là đại đội chuyên làm nhiệm vụ đánh phá giao thông từ đèo Mang Yang đến Pleiku. Một năm sau, ông Mai vào chiến trường B và tham gia giải phóng miền Nam. Hơn ông Mai đúng 10 tuổi lại vào chiến trường trước nên ông Thành luôn coi ông Mai như em ruột. Từ chuyện chiến đấu, chuyện gia đình anh em đều san sẻ. Vì điều kiện chiến đấu, khoảng năm 1973 anh em không còn gặp lại.

Trong một chuyến làm nhiệm vụ vào tháng 10.1975 ở Phú Bổn (Gia Lai), ông Mai khi đó là Đại đội trưởng cùng 2 đồng đội là trinh sát và liên lạc bị Fulro dùng B40 phục kích ven đường. Cả 3 chiến sĩ đều hy sinh. 

Bà Quế kể, anh trai vốn là người tình cảm, bố mất sớm nên khi ở nhà, anh như cha, mọi công to việc lớn anh đều cáng đáng, vì khi đó mẹ đã già còn 2 em thì trẻ. Mặc dù chiến tranh song anh vẫn gửi thư về đều đặn. Bẵng đi một thời gian không thấy thư về, gia đình đã linh tính có chuyện không hay, song đều gạt qua vì tin tưởng anh đã đi qua cuộc chiến rồi thì hòa bình chắc chắn sẽ bình an trở lại. Nhưng bỗng đâu một ngày tin dữ ập về...

"Anh đã trở về"

Liệt sĩ Vũ Xuân Mai là con cả, sau ông là em gái và em trai út. Năm 13 tuổi, ông đã tham gia tiếp đạn cho lực lượng bộ đội địa phương, là 1 trong 2 thiếu niên của huyện Nam Sách đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh Hải Dương. 

Ông Mai sinh ra trong một gia đình cách mạng. Bố ông là cụ Vũ Xuân Lư, cán bộ tiền khởi nghĩa từng chịu tù đày trong nhà tù thực dân. Cụ Lư là Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Sau này cụ về xã An Châu công tác và mất năm 1962. Mẹ liệt sĩ Vũ Xuân Mai là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Nắng. Còn em gái ông Mai là bà Vũ Thị Quế, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non An Châu. Bà là 1 trong 2 nhà giáo ưu tú của huyện Nam Sách trước khi xã sáp nhập về TP Hải Dương. Chồng bà Quế là liệt sĩ.

Theo bà Quế, sau khi xác định địa điểm anh hy sinh, năm 1984 gia đình vào Gia Lai tìm mộ song mãi đến năm 2006, hài cốt ông Mai mới được mang về Nghĩa trang liệt sĩ xã An Thượng. Vì nhiều lý do, hiện nay hầu hết các giấy tờ liên quan đến ông Mai đã bị thất lạc. Song bà Quế còn nhớ anh gửi về nhiều huân chương, huy chương dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới. Trong các bức thư anh gửi về cho em gái luôn có cảnh núi rừng hùng vĩ dưới bước các đoàn quân đang tiến về giải phóng Sài Gòn, là những trận đánh một mất, một còn giữa ta và địch để giành giật từng mảnh đất, hay chuyện những người dân cảm mến anh Bộ đội Cụ Hồ thường san sẻ từng miếng cơm, ngụm nước... "Quế ạ, đi làm toàn bằng xe thu được của địch, vui lắm... sau này anh được về phép anh sẽ kể Quế nghe". Ông Mai còn dặn dò em gái: "Đất nước mình bây giờ đã hoàn toàn giải phóng, đòi hỏi phải có nhiều người và con người đó phải có văn hóa để làm sao xứng đáng với truyền thống gia đình, quê hương, Tổ quốc... Bây giờ em còn nhỏ, chưa làm gì được thì phải học, ý thức trách nhiệm là học tập lao động, không lêu lổng, đi đâu phải hỏi ý kiến của mẹ, không được tự do tùy tiện". Ông Mai còn hứa sau giải phóng trở về sẽ có quà cho các em. Khi chưa kịp về, ông đã nhờ một người đồng đội mang về biếu mẹ và tặng các em một chiếc đài cũ.

Số ít bức thư là những kỷ vật duy nhất về người anh trai liệt sĩ được gia đình trân trọng lưu giữ. Những dòng chữ cứng cáp của người chiến sĩ ấy mang một khí phách hiên ngang, khát vọng của tuổi trẻ một thời thần tốc với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai".

 TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rưng rưng bức thư của một chiến sĩ