Rùng mình thức ăn đường phố

16/04/2021 06:05

Thức ăn được bày bán nơi bụi bặm, ô nhiễm, người bán không đeo khẩu trang, găng tay; còn người mua chẳng mấy quan tâm đến vấn đề vệ sinh thực phẩm... là thực trạng chung của việc kinh doanh thức ăn đường phố tồn tại nhiều năm nay.


Thực phẩm chín không được che đậy bày bán tại chợ Kinh Môn

Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng hiện nay nhiều người vẫn vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Người bán tùy tiện

Từ khoảng 3 giờ chiều hằng ngày, tại vỉa hè đường Nguyễn Chế Nghĩa (thị trấn Gia Lộc), khu vực gần cổng Công ty TNHH Haivina, có không ít hàng quán bán đồ ăn sẵn. Ngay sau vỉa hè ấy là khu đất trồng cây cảnh của các nhà vườn, đất cát ngổn ngang, có đoạn rất nhiều cành cây khô lâu ngày bị hoai mục, chứa đầy côn trùng, thậm chí cả rác thải, túi nilon vứt bừa bãi xung quanh, rất mất vệ sinh. Tại một quán bán bánh rán, nhiều khách hàng mua ăn tại chỗ ngay cạnh môi trường mất vệ sinh. Mặc dù đang là thời điểm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nhưng chủ quán bán hàng dù tiếp xúc nhiều người lại không hề đeo khẩu trang, không đeo găng tay khi bốc bánh cho khách. Khách sau khi ăn xong được hướng dẫn lau tay chung bằng một chiếc khăn cũ, ẩm ướt treo trên một cành cây. Nhiều hàng bán đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn như đồ chiên rán, tiết trâu, bún... bày bán tại khu vực này cũng không được che đậy, người bán đôi khi chỉ đeo khẩu trang chiếu lệ, không đúng quy định.

Tại một số khu vực bán thức ăn đường phố ở thị xã Kinh Môn, tình trạng cũng tương tự. Tại chợ Kinh Môn (phường Hiệp An), có quầy bán đồ ăn sẵn ngay cạnh lối đi nhưng không có tủ kính hay vật dụng che ruồi, muỗi, nhặng... Người bán đeo khẩu trang nhưng không bảo đảm yêu cầu, không sử dụng găng tay khi chia, gắp thức ăn. Tại cổng Trường THCS Phạm Sư Mạnh cũng có nhiều xe bán đồ ăn nhanh lưu động vào giờ tan học. Một số xe không có tủ kính che chắn, có người bán còn dùng tay trần chế biến thực phẩm, sau đó lại cầm thực phẩm chín để bán cho khách.


Bán bánh rán ngay dưới lòng đường ở phố Trương Mỹ (TP Hải Dương)

Tại TP Hải Dương, việc kinh doanh thức ăn đường phố cũng tồn tại nhiều bất cập. Chiều 12.4, trên phố Trương Mỹ có không ít hàng quán bày bán chè, bánh rán ngay cạnh vỉa hè nhưng không hề được che đậy. Cá biệt có hàng bán bánh rán còn để cả rổ bánh ngay cạnh lối đi, không bảo đảm khoảng cách so với mặt đất theo quy định...

Lý giải về những vi phạm trong bán hàng, có tiểu thương cho rằng nếu dùng vải hay nilon che chắn sẽ rất bất tiện. Vào giờ tan tầm, ai cũng muốn mua nhanh rồi về, nếu khách đến mà phải chờ gỡ bỏ màng che sẽ mất thời gian, đôi khi khách không chờ mà bỏ đi mua chỗ khác. Thêm nữa, nếu dùng màng che đi sản phẩm thì sẽ mất sự hấp dẫn về màu sắc, không thu hút sự chú ý của người mua. Việc đeo găng tay trong thời tiết nóng cũng rất bất tiện vì ra mồ hôi nên khó làm.


Đồ ăn nóng nhưng được người bán bỏ trực tiếp vào túi nilon

Người mua vô tư

Dù thấy rõ người bán khá tùy tiện như vậy nhưng không ít người dân vẫn vô tư sử dụng các loại thức ăn đường phố, đặc biệt là nhóm đối tượng công nhân và học sinh. Chị Phạm Hải Hà ở phường Hiệp Sơn (Kinh Môn) làm công nhân, buổi chiều tan tầm chị thường mua nhiều đồ ăn sẵn bày bán trên vỉa hè về cho bữa tối. Thói quen này chị Hà đã duy trì từ lâu. "Tôi cũng không để ý việc đồ ăn không được che đậy hay kể cả người bán không dùng găng tay. Tôi chỉ hơi lăn tăn là có nhiều thực phẩm nóng nhưng để ngay vào cốc nhựa hoặc túi bóng thôi", chị Hà nói.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường THCS Gia Lộc và các bạn thường mua bánh, chè, nước uống của những quán ở vỉa hè do tiện lợi, giá cả phù hợp. Em cũng chưa bao giờ quan tâm đến việc những quán hàng này có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, thậm chí nhiều khi nhìn thấy mất vệ sinh nhưng các em vẫn mua vì giá rẻ.

Năm 2020, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã lấy 462 mẫu thực phẩm (giò, chả, bún, phở, thịt chế biến, suất ăn sẵn ...) tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu hóa học. Kết quả có 34 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 7,36%). Đáng chú ý khi kiểm tra, chi cục phát hiện 2 mẫu giò có hàn the, 1 mẫu vịt quay có chứa thành phần nhựa thông, 21 mẫu thịt chế biến, suất ăn sẵn, giò chả có hàm lượng chì, cadimi vượt quá giới hạn cho phép. 

Theo Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố là khi bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến tàu, xe, nhà ga, khu du lịch, lễ hội, triển lãm), hè đường phố, nơi bày bán thực phẩm phải cách biệt các nguồn ô nhiễm và bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần...

NGA TUYẾT HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rùng mình thức ăn đường phố