Dùng chung mỹ phẩm hay mỹ phẩm secondhand (2hand) là một trong những sai lầm phổ biến ở chị em phụ nữ. Đặc biệt sau dịp Tết, thị trường thanh lý mỹ phẩm càng nhộn nhịp hơn.
Mỹ phẩm thanh lý thường được rao bán bởi các lý do như mua nhầm, dùng không hợp... Tùy tình trạng đã sử dụng mà người bán sẽ định mức giá khác nhau. Bác sĩ da liễu cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn, gây hại làn da khi dùng những mỹ phẩm này.
Sau khi chốt đơn và dùng các mỹ phẩm đã qua sử dụng được rao bán trên mạng xã hội, nhiều chị em phải đến bệnh viện "cầu cứu" vì làn da gặp nhiều biến chứng.
Bác sĩ Phan Ngọc Huy, khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng không mong muốn sau khi dùng mỹ phẩm đã qua sử dụng được rao bán trên mạng xã hội.
Những biến chứng thường gặp của các bệnh nhân sau sử dụng mỹ phẩm thanh lý thường là viêm da tiếp xúc dị ứng với biểu hiện bong tróc vảy, đỏ da, ngứa. Trường hợp nặng, làn da có thể bị viêm tiết dịch dễ dẫn đến nhiễm trùng và tạo sẹo xấu. Ngoài ra, tình trạng sạm da sau phản ứng dị ứng cũng khá thường gặp và cần điều trị trong một thời gian trung bình khoảng 3-6 tháng để có thể phục hồi hoàn toàn.
P.T.V. (21 tuổi, trú tại Quảng Ninh) đến "cầu cứu" bác sĩ trong tình trạng da bị đỏ, bong tróc kèm theo đau rát. V. chia sẻ gần đây có "săn" được một bộ sản phẩm chăm sóc da của thương hiệu nổi tiếng còn mới 99% với chi phí chỉ bằng 1/5 bình thường, trong hội thanh lý đồ secondhand mỹ phẩm.
Hy vọng cải thiện da trắng sáng hơn, thế nhưng chỉ sau một ngày sử dụng, V. bắt đầu thấy da đỏ và châm chích gây khó chịu. Ngay sau đó, cô gái trẻ liên hệ với người bán thì được giải thích là các sản phẩm đang phát huy tác dụng, phải dùng thêm vài ngày nữa các triệu chứng trên sẽ hết. Sau khoảng ba ngày sử dụng, V. thấy da mình ngày càng đỏ, kích ứng, cảm giác nóng rát vùng bôi mỹ phẩm đồng thời môi xuất hiện mụn nước đau rát. Lúc này, V. mới tìm đến bác sĩ để thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, tiếp nhận điều trị cho V. cho hay đây là trường hợp bị viêm da kích ứng và nhiễm herpes môi do dùng sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc. V. phải điều trị cùng lúc hai bệnh là viêm da tiếp xúc kích ứng và herpes môi bằng chăm sóc da tại chỗ, ánh sáng trị liệu, uống thuốc ức chế vi rút.
Bác sĩ Phan Ngọc Huy cho rằng sử dụng dược mỹ phẩm thanh lý đang ngày càng nở rộ trên thị trường làm đẹp, đặc biệt khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Mặc dù cách này có thể giúp người mua tiết kiệm được khá nhiều tiền và người bán thì thanh lý được món mỹ phẩm không phù hợp, nhưng rủi ro phần lớn sẽ ở phía người mua.
Có ba nguy cơ tiềm ẩn mà bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng mỹ phẩm làm đẹp thanh lý trôi nổi trên mạng xã hội.
Thứ nhất, mỹ phẩm bị nhiễm vi trùng, vi rút và vi nấm, ký sinh trùng. Các loại mỹ phẩm được sử dụng trực tiếp trên da của người chủ cũ như son môi, mascara, bút viền mắt, bông phấn trang điểm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn. Đặc biệt nếu người đó có các tình trạng như nhiễm nấm da, viêm da demodex, nhiễm các loại vi trùng như Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus... Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mỹ phẩm đã qua sử dụng bị nhiễm vi khuẩn lên đến 79-90%.
Thứ hai, sản phẩm mất hoạt tính. Các loại mỹ phẩm sử dụng để dưỡng da cần được bảo quản đúng cách tùy theo loại hoạt chất, từ các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm.
Điển hình là các dẫn xuất của vitamin A như retinol, tretinoin hoặc vitamin C sẽ dễ bị mất hoạt tính khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc ở nhiệt độ cao. Thông thường người mua sẽ không thể nào biết được tình trạng thực sự của mỹ phẩm.
Thứ ba, mua nhầm hàng giả. Nếu không thể kiểm tra được nguồn gốc của sản phẩm, bạn nên thật sự cân nhắc việc mua chúng vì tình trạng hàng nhái, kém chất lượng khá phổ biến trên thị trường. Việc sử dụng mỹ phẩm giả có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe làn da, vì thực chất không ai biết thành phần và hàm lượng trong mỹ phẩm đó.
Ngoài ra, nguy cơ nhỏ khác mà bạn cũng có thể đối mặt là vấn đề về giá cả. Việc định giá sản phẩm hoàn toàn tùy thuộc vào người bán và sự thương lượng của hai bên. Tuy nhiên, dung tích sản phẩm còn lại trong chai cụ thể là bao nhiêu thì cũng không thể đong đếm chính xác. Vì vậy, chưa chắc bạn sẽ mua được sản phẩm với giá hời trên thị trường chợ đen của mỹ phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm trên bề mặt da có thể có vi rút, vi khuẩn, nấm gây nhiều bệnh da hoặc dưới dạng tiềm ẩn (chưa gây bệnh). Bởi vậy, khi dùng chung các sản phẩm mỹ phẩm, đồ dùng trang điểm hoặc những sản phẩm mỹ phẩm secondhand, sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm vi rút, vi khuẩn, nấm tác động lên làn da.
Ngoài ra, những dụng cụ make-up như cây cọ, bông mút đều là nơi ẩn chứa rất nhiều hóa chất và vi rút, nấm, vi khuẩn gây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, son môi cũng vậy. Môi là vùng bán niêm mạc rất dễ tổn thương, có nhiều nguy cơ về bệnh lây, nhiễm vi rút herpes, vi khuẩn. Tốt nhất chị em không nên dùng chung mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm và không nên sử dụng các sản phẩm thanh lý không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Phan Ngọc Huy khuyến cáo cần lựa chọn mỹ phẩm rõ nguồn gốc, đủ hóa đơn và nhãn mác, mua từ nhà phân phối uy tín. Đây là điều kiện tiên quyết trước khi đánh giá tính hiệu quả của mỹ phẩm.
Trước khi sử dụng một loại mỹ phẩm mới, hãy thoa một lượng nhỏ lên vùng da mặt trong cánh tay để kiểm tra sau 24 giờ có xuất hiện phản ứng dị ứng như nổi ban đỏ, ngứa, bong tróc da. Không nên dùng đồng thời quá nhiều loại mỹ phẩm trong cùng một thời điểm, đặc biệt khi bạn bắt đầu sử dụng một loại mỹ phẩm mới. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để có đầy đủ thông tin trước khi sử dụng một hoạt chất hoặc một nhãn hàng mỹ phẩm.
"Sử dụng mỹ phẩm phù hợp với đặc điểm làn da của mỗi cá nhân là điều quan trọng nhất. Việc lựa chọn "hàng hiệu" chỉ là một yếu tố trên bàn cân. Các yếu tố khác quan trọng không kém là hoạt chất phù hợp với làn da, mỹ phẩm dễ tiếp cận và bạn có thể sử dụng chúng lâu dài mà không quá đắn đo về mặt kinh tế", bác sĩ Huy tư vấn.