Việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất về mức lương tối thiểu theo giờ hứa hẹn lần đầu tiên nước ta sẽ có quy định về hình thức trả lương này.
Đây là cơ sở quan trọng để bảo đảm quyền lợi cho lực lượng lao động thời vụ, vốn có thu nhập bấp bênh. Cùng với đó, cũng hướng tới việc giúp người lao động (NLĐ) có thêm các chế độ, các khoản phúc lợi xã hội khác để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đời sống xã hội hiện nay, lao động thời vụ vẫn tương đối phổ biến. Đặc thù công việc của họ mang tính linh hoạt, làm việc không trọn thời gian theo ngày hay theo tháng và thường phục vụ cho gia đình hoặc cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến việc mức lương chi trả chủ yếu dựa vào thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ, chưa có thang mức nào để làm cơ sở tham chiếu.
Vì vậy, việc đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ mang nhiều ý nghĩa với lao động thời vụ, hạn chế sự cứng nhắc của mức lương tối thiểu theo tháng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ giúp bảo vệ lao động thời vụ để họ không bị thua thiệt so với công sức mình bỏ ra, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương của nước ta hiện nay, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tuy nhiên, hiện có không ít ý kiến băn khoăn về mức lương tối thiểu theo giờ đang được đề xuất, bởi vẫn còn thấp so với thu nhập thực tế và tính chất công việc của NLĐ, nhất là tại khu vực thành thị. Để đưa ra mức lương phù hợp cần có nghiên cứu, khảo sát cụ thể, chú trọng yếu tố đặc thù của các vùng, miền, khu vực khác nhau.
Cơ sở để tính toán cho mức lương này cũng không nên máy móc một cách cơ học là lấy lương tối thiểu theo tháng chia cho số ngày, số giờ làm việc. Cũng cần nhìn nhận, mức lương tối thiểu theo tháng hiện chưa cao, do vậy, nếu làm cơ sở để tính lương tối thiểu theo giờ sẽ khó bảo đảm công bằng cho NLĐ.
Thực tế, lao động thời vụ có nhiều thiệt thòi so với lao động chính thức. Họ thường được biết đến là lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không được hưởng chế độ nghỉ phép, nghỉ khi bị ốm đau, các loại phụ cấp hay tham gia bảo hiểm xã hội và mạng lưới an sinh.
Để khắc phục vấn đề này, khi tính toán mức lương tối thiểu theo giờ cần có thêm hệ số để NLĐ có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội, giúp họ được hưởng các chính sách an sinh khác, đặc biệt, nếu đủ điều kiện có thể được hưởng lương hưu, thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Mặc dù đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng lao động ở khu vực phi chính thức không chỉ thu nhập chưa cao mà các chính sách bảo vệ quyền lợi liên quan đến họ cũng chưa đạt độ phủ cần thiết. Hạn chế của lực lượng này là đa phần thuộc diện lao động phổ thông, ít qua đào tạo.
Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, làm căn cứ giải quyết các vấn đề về tiền lương, thời gian làm việc hoặc trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Tránh việc người sử dụng lao động cố tình "lách luật", chỉ trả lương theo giờ để trốn tránh nghĩa vụ mà đáng ra NLĐ phải được hưởng.
Đồng thời, cần tạo điều kiện để lao động thời vụ chuyển dịch dần vào khu vực chính thức, giúp họ có cơ hội được đào tạo, trau dồi tay nghề phù hợp với năng lực bản thân. Từ đó, NLĐ được bảo đảm tốt hơn cho cuộc sống trước mắt và lâu dài, cũng như góp phần giải quyết bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
ÐỖ MẠNH HƯNG