Góc nhìn

Quỹ lớp "chia đều, nộp đủ"

Theo VnExpress 04/10/2023 06:50

Quỹ lớp, bị chi phối bởi các phụ huynh có tiềm lực, gây ra nỗi ấm ức cho những bậc cha mẹ yếu thế.

Tủ giày của thằng bé đa phần là giày thể thao, sặc sỡ, vài đôi đắt tiền, có thương hiệu.

Cậu "ranh mãnh" nháy mắt với tôi, nói giày là thứ sẽ giúp cậu thể hiện đẳng cấp, đánh dấu sự khác biệt của mình giữa không gian một màu đồng phục ở trường học công lập.

"Tính toán" ấy của cậu bé đang tuổi trổ mã thoạt tiên gây ra xung đột nhỏ trong gia đình. Chị dâu tôi lo lắng những đôi giày thể thao sẽ nhen nhóm thói đua đòi của thằng bé; còn anh tôi vẫn để mắt đến cu cậu nhưng dường như cảm thấy chuyện chưa có gì phải lo lắng.

Câu chuyện trên, chỉ dừng lại ở một cá nhân, đã có thể gây tranh luận trong phạm vi gia đình. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chuyện tương tự, nếu được nhân bội lên, diễn ra ở cấp độ lớp học, sẽ ra sao?

Mới đây, một lớp học thuộc hệ thống công lập tại TP Hồ Chí Minh đã biến mình trở nên khác biệt so với các phòng học còn lại trong trường, sau khi sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, nhờ nhận được khoản kinh phí hơn 260 triệu đồng từ quỹ phụ huynh. Gạch lát nền vàng kiểu cũ được thay thế bằng gạch men trắng sáng, các mảng tường vài chỗ bong tróc được ốp gạch men...

Nâng cấp, đánh dấu sự khác biệt ở mức đó có thể chấp nhận được không? Câu hỏi này đụng đến vấn đề bản chất: liệu Nhà nước, chủ sở hữu thực sự của lớp học, có được đồng ý tiếp nhận khoản đóng góp với mục đích cải tạo rõ rệt về hình thức căn phòng hay không? Và việc tiếp nhận này sẽ gây ra những hệ lụy gì về mặt chính sách chung?

Về lý thuyết, nhà nước thiết lập ra trường công để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em. Trong trường, Nhà nước tiếp tục duy trì sự bình đẳng tối đa có thể, sao cho người học nhận thấy giá trị duy nhất được khuyến khích là sự hăng say học tập, thứ có thể vượt lên mọi rào cản khác: giới tính, đẳng cấp, tôn giáo...

Bằng cách đó, trường công trở thành nền tảng cơ bản thúc đẩy các tầng lớp theo đuổi học thuật để xây dựng một xã hội phát triển bền vững bằng vốn tri thức.

Tuy vậy, chủ nghĩa quân bình trong giáo dục (đôi khi bị gọi bằng một từ tiêu cực "cào bằng") rất dễ bị lung lay. Ở Việt Nam cũng vậy. Tầng lớp phụ huynh trung lưu tăng nhanh. Họ không đủ nguồn lực để theo đuổi các chương trình tư thục, quốc tế đắt tiền nhưng vẫn muốn con mình được hưởng các lợi thế nhất định trong môi trường công lập.

Lợi thế mà phụ huynh "mua được" cho con có thể từ chỗ đơn giản như tủ đựng đồ cho đến cao cấp hơn như hệ thống công nghệ phục vụ giảng dạy (thậm chí, có cả hiện tượng tranh giành các giáo viên tốt nhất trong trường về lớp của con mình).

Tình thế lưỡng nan này đẩy trường công vào thế khó xử. Một mặt nhà quản lý nhìn thấy cơ hội lập tức cải thiện về cơ sở vật chất để học sinh thoải mái về thể chất và tinh thần hơn trong sinh hoạt tại trường, thay vì phải xếp hàng dài chờ đợi phê duyệt các khoản ngân sách vốn cũng rất eo hẹp. Mặt khác, nếu nhận khoản tài trợ không đồng đều đó (lớp có, lớp không), nhà trường sẽ vi phạm sứ mệnh quân bình về giáo dục, tức không còn đủ tư cách là một trường công lập nữa.

Thế kẹt giữa một bên muốn đóng mà không được đóng và một bên muốn nhận mà không được nhận tồn tại dai dẳng và thường trở thành "trái bom" nổ ra mỗi dịp đầu năm học.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với một ngành trọng điểm khác - y tế. Giữa bệnh viện công, trong khi mọi người, cả những bệnh nhân nặng, phải chờ xếp hàng từ tờ mờ sáng, lại tồn tại những giường bệnh ưu tiên nhờ việc trả tiền cao hơn? Đó có phải là sự tham nhũng hệ thống tài sản công để phục vụ một số người nhiều tiền hơn?

Để giải quyết thế lưỡng nan mà chủ nghĩa quân bình tạo ra, John Rawl (nhà triết học hàng đầu về công bình xã hội) đề xuất rằng những người có đặc quyền hơn có thể tiếp tục khai thác đặc quyền của mình, nhưng phải đảm bảo lợi thế đó giúp ích được cho những người ít may mắn hơn.

Từ ý tưởng này, tôi nghĩ có thể tháo gỡ các khúc mắc về quỹ phụ huynh trên những nguyên tắc sau:

Trước hết,Ban giám hiệu và đại diện Hội phụ huynh cấp trường phải tham gia vào việc xem xét và phê duyệt các khoản đóng góp có thể tiềm tàng làm cho học sinh nhận thấy sự bất bình đẳng giữa các lớp học, đặc biệt là các thay đổi chỉ với mục đích "làm đẹp" một vài phòng học như gạch lát cao cấp hay sắm tủ kính đắt tiền.

Ban giám hiệu chỉ khuyến khích các khoản tài trợ giúp nâng cao về cơ sở vật chất chung như sân thể dục, thư viện, phòng máy tính... Các đơn vị tài trợ có thể nhận được một số ưu tiên nhất định, nhưng các ưu tiên đó phải được tuyên bố rõ bằng văn bản và nhận được sự đồng thuận chung (đặc biệt là đồng thuận rằng sự ưu tiên không gây ra bất bình đẳng sâu sắc giữa các lớp học).

Với các Hội phụ huynh nhỏ hơn cấp trường (lớp, khối lớp) muốn tài trợ cho riêng đơn vị mình, họ cần ưu tiên các đầu mục về nội dung giáo dục hơn cơ sở vật chất giáo dục. Ví dụ, phụ huynh có thể tài trợ tài khoản cao cấp (premium) để giáo viên có thể tự nâng cấp tri thức thông qua các khóa học trực tuyến hoặc mời riêng diễn giả để hỗ trợ các em về định hướng nghề nghiệp. Các nội dung này, sau khi học sinh trong lớp trực tiếp tiếp thu, có thể được lưu trữ lại dưới dạng số hóa để chia sẻ rộng rãi cho toàn trường.

Cuối cùng, nguyên tắc tự nguyện đóng góp theo khả năng phải được đảm bảo tuyệt đối, không được chia trung bình khoản tài trợ theo số lượng phụ huynh theo kiểu "chia đều, nộp đủ". Nhưng một khi nguyên tắc này được thực hiện, văn hóa "tài trợ" cho giáo dục cần phải dần hình thành. Nhà trường và Hội phụ huynh tôn trọng các ý kiến khác biệt về mức đóng góp (thể hiện qua hành động, đặc biệt là truyền thông về chính sách cho phụ huynh, chứ không mang tính hình thức như hiện nay). Mặt khác, phụ huynh cũng cần tôn trọng và biểu dương công lao của những người có tâm huyết và tiềm lực tài chính, mong muốn góp sức cải thiện môi trường học tập tốt hơn cho con em.

Những nguyên tắc trên sẽ làm phức tạp quá trình tài trợ, đóng góp của phụ huynh cho trường công nhưng vẫn phải kiên quyết hình thành một cơ chế hài hòa giữa nhu cầu cá nhân và thiết chế tập thể, thay vì để cả xã hội hậm hực vì các khoản thu.

Những gì mỗi phụ huynh nỗ lực thay đổi ngày hôm nay không chỉ bảo đảm cho tương lai của riêng con em họ, mà cho cả một thế hệ đang cùng lớn lên.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quỹ lớp "chia đều, nộp đủ"