Việc thành lập các cơ sở bảo quản, chế biến cần có lộ trình, cụ thể từng loại sản phẩm tập trung vào những sản phẩm đặc thù, thế mạnh như vải thiều, rươi, nếp cái hoa vàng...
Hội đồng tư vấn, phản biện đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực cho đề án
Sáng 31.1, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội đồng tư vấn, phản biện (TVPB) Đề án "Quy hoạch cơ sở bảo quản, chế biến nông sản tỉnh Hải Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong hội đồng đề nghị cần làm rõ tính cấp thiết của quy hoạch. Việc thành lập các cơ sở bảo quản, chế biến cần có lộ trình, cụ thể từng loại sản phẩm và ở từng địa phương. Trong đó cần tập trung vào những sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh như vải thiều, ổi (Thanh Hà), rươi (Tứ Kỳ, Thanh Hà), nếp cái hoa vàng, sắn dây, hành, tỏi, mủa (Kinh Môn), rau, củ, quả (Gia Lộc, Tứ Kỳ)... Những cơ sở bảo quản, chế biến nên đặt trong quy hoạch vùng và chú trọng xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để có nguồn cung dồi dào, ổn định. Quy hoạch cũng cần chú ý đến tập quán tiêu dùng của người dân để xây dựng phù hợp.
Hội đồng TVPB cũng đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy hoạch như nên đưa cơ sở bảo quản, chế biến vào các khu công nghiệp; tận dụng, mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào những cơ sở đã có; hình thành các HTX chế biến, chưa nên xây dựng nhà máy chế biến theo hình thức công nghiệp...
Theo đề án, đến năm 2030, tỉnh ta sẽ có 667 cơ sở chế biến thịt gia súc, gia cầm (năm 2016 có 1.487 cơ sở), 41 cơ sở sơ chế rau, củ, quả (năm 2016 có 33 cơ sở), 1.642 cơ sở chế biến rượu (năm 2016 có 1.937 cơ sở), 1.205 cơ sở sấy nông sản (năm 2016 có 1.044 cơ sở)...
DT