Quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của quản lý thị trường

25/08/2016 18:03

Lực lượng quản lý thị trường các địa phương công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 về việc đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình đổi mới, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT.

Theo đó, lực lượng QLTT các địa phương công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) đặc thù như tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn thực phẩm, sở hữu công nghiệp… mà chưa đủ căn cứ để xác định vi phạm hành chính, cơ quan QLTT cần chủ động phối hợp ngay với các cơ quan QLNN trong lĩnh vực có liên quan để xác định, chứng minh vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Không kiểm tra, thanh tra chuyên ngành khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Phân công công chức quản lý địa bàn theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phải có căn cứ thực tiễn gắn liền với yêu cầu QLNN và chỉ đạo của cơ quan cấp trên có thẩm quyền, tránh tùy tiện, qua loa, đại khái gây lãng phí nhân lực, vật lực và gây mất bình đẳng đối với tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Kiểm tra đột xuất; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính; khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính phải có căn cứ theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BCT. Công chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người giao nhiệm vụ về báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh thông tin của mình. Thủ trưởng cơ quan QLTT có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra có trách nhiệm xây dựng, ban hành, giám sát việc thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về phương án kiểm tra được xây dựng dựa trên các căn cứ theo đúng quy định.

LA (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của quản lý thị trường