Quy định mới có được thực hiện nghiêm trong đời sống?

14/11/2018 10:01

​Các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4.9.2018 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 20.10.2018.

Theo đó, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, ăn ngay bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Phạt 1-3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay…

Quy định xử phạt tiền đối với hành vi dùng tay trần bốc thức ăn trong quá trình kinh doanh thức ăn đường phố không phải tới bây giờ mới có. Trước đó, tại điều 22 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm, hành vi dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Nhưng trên thực tế, thời gian qua vẫn diễn ra phổ biến tình trạng người bán dùng tay trần để bốc thức ăn trong kinh doanh thức ăn đường phố. Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Nghị định 115/2018/NĐ-CP có giải quyết và xử lý được những hành vi vi phạm này không hay sẽ lại rơi vào tình trạng quy định có cũng như không? Xử phạt hành vi dùng tay trần bốc thức ăn trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ do lực lượng nào đảm nhiệm? Việc kiểm tra có diễn ra thường xuyên, liên tục hay sẽ lại rơi vào cảnh "bắt cóc bỏ đĩa"?

Dư luận đang chờ kết quả từ thực tiễn. Việc xử phạt suy cho cùng cũng nhằm mục đích quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người kinh doanh, giúp họ hiểu được những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ hành vi của mình để tự nâng cao nhận thức, không tái phạm, không cần áp dụng quy định xử phạt nữa. Không thể để tình trạng quy định thì nhiều mà việc xử phạt lại rất hạn chế, không răn đe được ai. Thậm chí nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố không biết, không nắm rõ các quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hoặc biết nhưng vì không có lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, xử lý nên sẽ phớt lờ quy định.

Bên cạnh đó, nhiều khi người tiêu dùng vẫn còn tư duy kiểu "khuất mắt trông coi" hoặc tặc lưỡi bỏ qua những vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Chính điều này đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khi người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức được việc tự bảo vệ mình, tẩy chay, không sử dụng những thực phẩm bẩn; mạnh mẽ lên án, tố giác sai phạm thì ắt hẳn người sản xuất, kinh doanh cũng phải thay đổi nhận thức, hành vi của mình.

Trước đây, cũng có quy định mức xử phạt đối với một số hành vi như tiểu bậy, vứt rác bừa bãi. Tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (quy định cũ là 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Hay như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng nhưng đến nay, tệ vứt rác bừa bãi, tiểu bậy, hút thuốc lá tại  bến tàu, nhà xe, cơ sở y tế... vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Những ví dụ nêu trên cho thấy việc ban hành các nghị định, luật cần gắn kết chặt chẽ với những điều kiện thực tế, cần có lực lượng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Tránh tình trạng luật, nghị định đã có nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.

HOÀNG QUÂN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định mới có được thực hiện nghiêm trong đời sống?