Xem xét Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán

13/02/2023 11:17

Sáng 13.2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN).

Chú thích ảnh

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Tờ trình dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.  

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, Pháp lệnh xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt VPHC nói chung và trong hoạt động KTNN nói riêng, kinh nghiệm xử phạt hành vi vi phạm hành chính từ thực tiễn hoạt động của các lĩnh vực tương đồng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn cao, thể hiện ở khía cạnh: Hoạt động kiểm toán của KTNN có đối tượng và phạm vi rất rộng, bao gồm mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công. Trong Luật KTNN, đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đây chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.  

Thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh quy định đối tượng bị xử phạt theo hướng dẫn chiếu đến các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm bao quát đầy đủ các đối tượng bị xử phạt. Đồng thời, khoản 3 Điều 4 quy định loại trừ việc xử phạt trong trường hợp: Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm trong khi đang thi hành nhiệm vụ, công vụ; cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước.  

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định này của dự thảo Pháp lệnh phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 5) và thống nhất với quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23.12.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, cách thiết kế này cũng tương tự như quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo Pháp lệnh.  

Về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6), mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Điều 6 của dự thảo Pháp lệnh quy định 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền; 2 biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Điều 7 của dự thảo Pháp lệnh quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các quy định nêu trên cơ bản phù hợp với các hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 21, điểm c khoản 1 Điều 24 và Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; vì vậy, tán thành với các quy định này. Đồng thời, đề nghị chỉnh lý kỹ thuật văn bản đối với khoản 1 Điều 7 để bảo đảm rõ ràng, chính xác hơn; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán” để áp dụng với hành vi vi phạm hành chính “mua chuộc, hối lộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của dự thảo Pháp lệnh.

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cho ý kiến góp ý vào khoản 3 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ tại khoản 3 Điều 4 quy định về cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang công an nhân dân… vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật này mà theo quy định pháp luật có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu theo quy định của dự thảo Pháp lệnh thì Pháp lệnh chỉ còn điều chỉnh một nhóm nhỏ đối tượng là doanh nghiệp được kiểm toán, trong khi cán bộ, công chức, kiểm toán, các đơn vị cơ quan tổ chức lực lượng vũ trang đều không điều chỉnh thì tác động của Pháp lệnh có lớn không và liệu có đạt được mục tiêu ban hành của Pháp lệnh nữa không?

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định này và cho rằng phải có giải trình làm rõ sự phù hợp và tính khả thi của quy định này thì mới có thể an tâm xem xét thông qua Pháp lệnh này.

Phát biểu giải trình các ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và ý kiến tham gia của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục phối hợp với KTNN nhằm hoàn hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh.  

Giải trình về phạm vi đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đây là Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo quy định được giao tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và là Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN....

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đây là lĩnh vực cụ thể nên về nguyên tắc, các quy định của Pháp lệnh phải phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật KTNN. Bên cạnh đó, đối tượng xử phạt đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã loại trừ những trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ có vi phạm hành chính thuộc các hành vi quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về nguyên tắc, Pháp lệnh này không thể quy định xử phạt hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN vì Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép và yêu cầu phải xử lý kỷ luật.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Theo quy định trong Luật KTNN và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh này là đúng thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tiếp tục làm rõ các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.  

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan KTNN và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2.2023.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xem xét Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán