Quan tòa, ông là ai?

12/05/2023 08:59

Bản án, chỉ riêng nó được quyền "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để phán xét trên tinh thần thực thi công lý.

Đây là quyền thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề. Cho nên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào thì vẫn phải đảm bảo tiêu chí "thấu tình, đạt lý". Bản án sẽ bị coi là thất bại nếu không đạt được giá trị này.

Quan tòa là người chấp bút cho bản án, quyết định thân phận bị cáo. Vậy, quan tòa phải là người thế nào?

Cách đây lâu lắm rồi, ngay từ thời nước ta mới bắt tay "xây dựng Nhà nước pháp quyền", có một thẩm phán tòa hình sự phúc thẩm tối cao từng dạy học trò: "Mở hồ sơ ra, điều trước tiên là phải đặt câu hỏi: Bị cáo có tội không?

Tiếp theo là nếu có tội thì có tình tiết nào để giảm nhẹ?". Theo ông, phạt tù bị cáo là điều bất đắc dĩ khi thấy nhất thiết phải làm, nhưng có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Không chỉ đơn giản là trừng phạt và nhốt một cá nhân vào trại giam, ngay cả những người thân của bị cáo cũng bị ảnh hưởng sâu sắc.

Ông thẩm phán cấp cao nọ có cơ sở để nói như vậy. Thực tế cho thấy có không ít quan tòa luôn mặc định "ra tòa tức là có tội". Đôi khi, đôi lúc lại có những quan tòa thường quen nghĩ phải xử "tột khung" mới thể hiện được uy quyền.

Họ quên rằng mình là người cầm cân nảy mực, cần thận trọng trong từng động thái, phải bảo vệ cả bị hại lẫn bị cáo. Đặc biệt là giữ vững quyền độc lập khi phân tích, đánh giá, suy đoán trước lúc đưa ra kết luận.

Thế giới của quan tòa không chỉ là thượng tôn pháp luật, còn là thế giới của lòng tốt và xót thương. Dẫu là quan tòa vẫn là con người, vẫn phải để trong tiềm thức những rung cảm của đời thường, những độ nhạy mà hệ thống pháp luật chưa với tới hoặc chưa kịp cập nhật.

Nếu quan tòa chỉ biết tuân theo quy tắc một cách cứng nhắc thì đó là cái máy vô cảm, mất hẳn tính thực tiễn và sự nhân hậu.

Bản án thể hiện trình độ, đạo đức của quan tòa. Đáng tiếc, có một số bản án chỉ nhìn qua là thấy ngay tác giả của nó thiếu tâm, thiếu tầm.

Họ vận dụng điều kia khoản nọ để xử nặng bị cáo, nhưng lại làm ngơ trước những tình tiết giảm nhẹ như sai phạm nhỏ, hành vi ít nguy hiểm, thiệt hại không đáng kể và đã được khắc phục...

Chưa bàn tới chuyện đúng - sai, chỉ xét riêng về tính nhân văn, hiệu quả giáo dục thì những bản án như thế không thể thuyết phục được dư luận. Đó là chưa nói đến việc tước đoạt niềm tin và gây ra bao nỗi ám ảnh, sợ hãi.

Lẽ đương nhiên mức án dành cho bị cáo phải dựa theo quy định của pháp luật, nhưng cũng phụ thuộc rất lớn vào quan điểm, cách nhìn nhận của quan tòa.

Công việc cao cả của quan tòa là không thể đồng lõa với tội phạm, càng không thể biến mình thành kẻ chống lại bị cáo một cách thô lỗ.

Quan tòa không là gỗ đá, cần đặt mình trong hoàn cảnh cả bị hại lẫn bị cáo, đồng thời thấu hiểu hơi thở cuộc sống vốn có nhiều cấu trúc nhạy cảm, rắc rối và chồng chéo.

Quan tòa - dứt khoát là người tài năng. Tuy nhiên, trên hết vẫn phải là nhân vật "đức cao vọng trọng", biết trừng phạt, biết bao dung, biết làm theo lương tri. Đó là tiền đề để tạo ra những bản án "tâm phục, khẩu phục".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tòa, ông là ai?