Ngày nay khi chất lượng cuộc sống được cải thiện thì người dân cũng quan tâm hơn tới việc chăm sóc sức khỏe, nhất là lựa chọn những thực phẩm sạch để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của gia đình mình.
Tỉnh ta có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với nhiều vùng chuyên canh cung cấp thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thậm chí đã xuất khẩu sang những thị trường đòi hỏi cao. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn đã được triển khai ở một số địa phương.
Tuy vậy, các mô hình, dự án trồng rau sạch hiện nay vẫn có nhiều hạn chế. Sản xuất nông sản ở nước ta nói chung, Hải Dương nói riêng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, theo hộ gia đình; trình độ canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa hiện đại. Nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Điều này phần nào tác động không tốt đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp. Hệ lụy của việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ, manh mún là sản phẩm làm ra khó cạnh tranh về giá, mẫu mã với những mặt hàng tương tự đang được nhập từ nhiều nước khác, ngay cả với các quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch hại trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp cũng tác động trực tiếp đến sản xuất nông sản và thực phẩm. Thêm vào đó, nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng đối với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường còn hạn chế; chính sách pháp luật để tạo động lực cho đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn còn nhiều bất cập.
Để giải quyết những vấn đề trên, đầu tiên cần sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và an toàn; quan tâm phát triển và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại có thể tạo ra những sản phẩm vì sức khỏe con người. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách tạo động lực để khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây chuỗi liên kết cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Các bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện các chính sách về phát triển nông nghiệp đã ban hành và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là chính sách khuyến khích sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích nông dân mạnh dạn xây dựng các mô hình trồng rau sạch, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, người sản xuất chân chính và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn là nông dân cần phát huy tinh thần sáng tạo, ham học hỏi những kiến thức, kỹ thuật mới, mạnh dạn ứng dụng để vươn lên làm giàu.
PHƯƠNG LINH(Gia Lộc)