Lao động - Việc làm

Quan tâm kiểm soát lao động trẻ em ở Hải Dương

PV 12/06/2024 08:00

Hiện nay, tình trạng lao động trẻ em ở Hải Dương vẫn còn nhưng việc quản lý, kiểm soát gặp khó khăn, chủ yếu do nhận thức của nhiều người còn hạn chế.

z5528661050099_a823da7545c76ae0f7e10b4307c96e60-1-.jpg
Công việc bưng bê, phục vụ ở quán nước được nhiều trẻ em (dưới 16 tuổi) ưu tiên lựa chọn khi đi làm thêm mà không biết rằng đây là công việc không phù hợp với bản thân (ảnh minh họa)

Người lớn chưa nhận thức đầy đủ

Từ khi nghỉ hè đến nay, vào 2 ngày cuối tuần, cháu N.V.N., sinh năm 2008, ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đi làm thêm ở phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng. N. cho biết cháu làm từ 16-23 giờ. Công việc chủ yếu là bưng bê phục vụ nước uống cho khách, sau đó dọn dẹp bàn, rửa cốc chén. Công việc không quá vất vả nhưng thời gian làm nhiều, lại kéo dài vào ban đêm nên đôi lúc cháu cũng thấy hơi mệt.

Đáng nói đây không phải là lần đầu N. đi làm thêm. Dịp nghỉ hè năm trước, N. đã xin việc làm thêm ở một quán cà phê trong thành phố. Theo N., bố mẹ cháu rất ủng hộ việc cháu đi làm thêm. Thời gian nghỉ hè dài nếu không đi làm thêm cháu cũng không biết làm gì ngoài xem ti vi, chơi điện tử. Ngoài ra, đi làm thêm cũng giúp cháu có một khoản thu nhập đáng kể để chuẩn bị mua sắm đồ dùng cho năm học mới, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm để tự lập sau này.

Trẻ em ở vùng nông thôn, nhất là ở những nơi có làng nghề cũng hay tham gia làm các công việc phụ giúp gia đình trong dịp hè. Cháu Đ.T.T. (10 tuổi, ở Kinh Môn) thường xuyên phụ giúp bố mẹ sơ chế hành tỏi. Cháu rất thạo việc phân loại, phơi khô, thu dọn hành giúp bố mẹ. Ở Kinh Môn, không riêng gì T. mà nhiều trẻ em thường phụ giúp cha mẹ những công việc như thế.

Ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết hiện nay, nhiều người chưa nhận biết được chính xác việc sử dụng lao động là trẻ em trái quy định của pháp luật ra sao. Không ít gia đình kinh doanh, buôn bán vẫn huy động trẻ em tham gia mà không biết rằng đó là vi phạm về lao động trẻ em. Chính điều này khiến cho việc kiểm soát, quản lý lao động trẻ em gặp không ít khó khăn.

Tăng cường kiểm tra

z5516819698512_4bb6790623100db38209602f1a6fcd66(1).jpg
Mỗi gia đình chỉ nên cho trẻ em làm những công việc phù hợp không bị pháp luật cấm. Ảnh: NH

Ở Hải Dương hiện chưa có thống kê chính thức về tình trạng vi phạm lao động trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế, vi phạm lao động trẻ em vẫn diễn ra. Điển hình, vào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định xử phạt hành chính một cá nhân ở xã Đức Xương (Gia Lộc) 62,5 triệu đồng do sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm công việc bị cấm...

Trên phạm vi cả nước, theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 17 tuổi đang phải lao động trái pháp luật, chiếm 5,3% tổng số trẻ em trên cả nước, trong đó có hơn 500.000 trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo điều tra của cơ quan chức năng, có một số ngành nghề sử dụng lao động trẻ em như: nông nghiệp, trồng rừng, thủy sản, đặc biệt ở những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ vẫn thấy len lỏi tình trạng vi phạm về sử dụng lao động trẻ em.

Lao động trẻ em có thể dẫn đến tổn hại về thể chất và tinh thần. Trẻ em lao động trước tuổi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Trong nhiều trường hợp khiến trẻ em không được đi học và chăm sóc sức khỏe, hạn chế các quyền cơ bản...

Nhận thức đầy đủ về những tác hại của lao động trẻ em là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, trước tình trạng vi phạm lao động trẻ em, theo ông Vũ Hồng Quân, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lớn nhận thức đầy đủ hơn về lao động trẻ em. Đặc biệt là phân biệt lao động trẻ em và trẻ em lao động. Lao động trẻ em là những công việc trẻ em được làm ở độ tuổi của mình theo quy định. Còn trẻ em lao động là những công việc nhẹ nhàng theo kiểu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, chủ yếu để giúp các em thích nghi với cuộc sống, tạo niềm vui và tính tự lập cho các em, quan trọng hơn hết là những công việc mà pháp luật không cấm.

z5523782243714_a162f406c265c3e9a4c0c4e3ec103a99.jpg
Trẻ em cần được bảo đảm các quyền lợi theo quy định. Ảnh: THẾ ANH

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt đối với những ngành nghề, lĩnh vực dễ dẫn đến vi phạm về lao động trẻ em nêu trên. Qua đó để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm về lao động trẻ em. Đồng thời quan tâm phát triển những sân chơi bổ ích cho các em cũng là việc đáng làm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Đó là tình yêu thương của Bác dành cho trẻ em nhưng đồng thời cũng là lời nhắn nhủ để mỗi chúng ta có ý thức, trách nhiệm trong chăm sóc trẻ em. Vì vậy, những vi phạm đối với trẻ em cần được lên án và loại bỏ, giúp các em được bảo đảm môi trường sống và phát triển toàn diện.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm kiểm soát lao động trẻ em ở Hải Dương