Việt Nam khởi động chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

01/12/2021 15:07

COVID-19 làm suy giảm kinh tế, thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình, mất an ninh lương thực, tạo nên rào cản đối với giáo dục... và dẫn tới nguy cơ gia tăng lao động trẻ em.


Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Điều này đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động và chương trình phòng chống lao động trẻ em.

Đây là nhận định đưa ra tại hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 1.12.

Lao động trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo ước tính của ILO, năm 2020, có 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022.

Ở Việt Nam, kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy lao động trẻ em từ 5-17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong lứa tuổi này, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (9,6%) và toàn cầu (10,6%) năm 2016.

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình được xây dựng dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Chương trình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO và UNICEF.

Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Những nỗ lực này là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7, quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 8.7. Do đó, chương trình cũng đóng góp và thực hiện lộ trình của Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu SDG 8.7. Trong bối cảnh hiện nay, những hành động khẩn cấp cần được triển khai nhằm hạn chế các nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch COVID-19.


Ảnh minh họa: PV/Vietnam+

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em.

Bà Bharati Pflug, chuyên gia cao cấp của ILO nhấn mạnh những tác động có hại của lao động trẻ em đồng thời lưu ý rằng lao động trẻ em không chỉ gây rủi ro về uy tín cho Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại quốc tế và làm suy yếu năng lực của lực lượng lao động tương lai của đất nước, mà còn làm xói mòn quyền của trẻ em và gia tăng tình trạng nghèo đói theo chu kỳ.

“Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau  COVID-19, ” bà Bharati Pflug nói.

Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lesley Miller cho rằng lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua các cách tiếp cận tích hợp đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói, thiếu thốn và bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, chất lượng giáo dục và huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần chú trọng thúc đẩy các quy định về điều kiện lao động đối với trẻ em đủ tuổi lao động; thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ của công chúng trong việc phản đối lao động trẻ em; thúc đẩy khu vực tư nhân và tổ chức xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em”

Tại hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu các mục tiêu và nội dung của chương trình, đồng thời cung cấp hướng dẫn về cách triển khai, các hành động cụ thể. Việc triển khai các chương trình chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần hỗ trợ Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam khởi động chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em