Trong khi các các đồng minh kêu gọi kiềm chế để tránh leo thang xung đột ở Trung Đông, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi tuyên bố nước này sẽ đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran tối 13/4.
Hãng tin AP cho biết ngày 15/4, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã tới thăm căn cứ không quân Nevatim ở miền Nam Israel, nơi đã hứng chịu một số thiệt hại nhỏ trong cuộc tấn công của Iran vào tối 13/4.
Tại đây, Trung tướng Halevi cho biết Israel vẫn đang xem xét các bước đi của mình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái tấn công của Iran “sẽ bị đáp trả”, Israel sẽ chọn phản ứng phù hợp.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập nội các chiến tranh lần thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ để cân nhắc cách phản ứng trước cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có của Iran vào Israel.
Tối 13/4, Iran đã phát động một cuộc tấn công đầu tiên trong lịch sử từ lãnh thổ của mình nhằm vào Israel với sự tham gia của hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Theo phía Israel, 99% trong số vũ khí được Iran sử dụng trong cuộc tấn công đã bị Israel bắn hạ với sự trợ giúp của Mỹ, Anh, Jordan và cuộc tấn công chỉ gây thiệt hại khiêm tốn ở Israel, khiến một bé gái 7 tuổi bị thương, gây ra một hố sâu tại căn cứ không quân Nevatim ở miền Nam Israel và làm hư hỏng một con đường ở Hermon.
Giới chức Iran tuyên bố nước này phát động cuộc tấn công tối 13/4 là nhằm trả đũa cuộc không kích phá huỷ toà nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria hôm 1/4, sát hại 7 sĩ quan Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong đó có hai chỉ huy cấp cao – hành động mà Tehran cáo buộc do Israel thực hiện, nhưng tới nay Tel Aviv không thừa nhận cũng không phủ nhận.
Cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu của Iran tối 13/4 làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến công khai giữa nước này và Israel, sau đó diễn biến thành chiến tranh khu vực.
Cảnh giác trước những mối nguy hiểm, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Washington sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động trả đũa nào của Israel nhằm vào Iran.
Một quan chức Nhà Trắng thuật lại với trang Axios rằng trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu ngày 14/4, Tổng thống Biden nói rằng nỗ lực phòng thủ chung của Mỹ cùng các nước khác trong khu vực đã khiến cuộc tấn công của Iran gặp thất bại.
Theo nguồn tin nêu trên, đáp lại, Thủ tướng Netanyahu nói ông hiểu điều này.
Sau đó vào hôm 15/4, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby cũng tuyên bố trong một cuộc họp báo ngắn rằng Mỹ “không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh với Iran” cũng như “không muốn chứng kiến một cuộc xung đột khu vực”.
Trong quan điểm tương đồng với Washington, nhiều đồng minh, đối tác khác của Israel cũng lên tiếng kêu gọi Tel Aviv kiềm chế.
Cao uỷ phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, nói với đài phát thanh Tây Ban Nha Onda Cero: “Chúng ta đang ở rìa vách đá và chúng ta phải tránh xa nó”, "Chúng ta phải đạp phanh và cài số lùi".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Các nước gồm Pháp, Bỉ và Đức đã triệu tập đại sứ Iran. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Pháp đang làm việc với các đối tác để giảm leo thang tình hình.
Về phần mình, Nga đã hạn chế chỉ trích công khai Iran về các cuộc tấn công nhưng bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang và cũng kêu gọi kiềm chế.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Việc leo thang hơn nữa không có lợi cho bên nào”.