Để hạn chế túi nilon và rác thải nhựa, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Cán bộ Hội Phụ nữ phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) phát túi giấy miễn phí cho tiểu thương
Làm chủ căn bếp, phụ nữ là những người sử dụng nhiều túi nilon và đồ nhựa nhất. Để hạn chế túi nilon và rác thải nhựa (RTN), các cấp Hội Phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Cách làm sáng tạo
Gần 1 tháng nay, nhiều hội viên HPN phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) thường xuyên tập trung ở nhà bà Hoàng Thị Toan ở khu 3 để gấp túi giấy. Hơn 1.000 chiếc túi giấy làm từ báo, lịch treo tường cũ đã tới tay các hộ kinh doanh trong phường.
Vốn là phường trung tâm của thành phố, tập trung nhiều hộ kinh doanh nên chị em tiểu thương ở đây sử dụng lượng túi nilon rất lớn.
Hưởng ứng lời kêu gọi chống RTN của Thủ tướng Chính phủ, các hội viên phụ nữ ở đây đã nảy ra ý tưởng tự làm túi từ giấy báo cũ. Nhà ai có giấy báo, lịch treo tường cũ đều mang tới cho chị em cùng làm.
"Trước đây, chúng tôi cũng phát làn cho chị em đi chợ. Nhưng cách này chỉ tiện dụng với các bà, các chị ở nhà nội trợ, còn chị em đi làm không tiện mang theo. Hơn nữa, để hạn chế sử dụng túi nilon thì phải tìm được biện pháp thay thế. Vậy nên chúng tôi làm túi giấy rồi phát miễn phí cho các hộ kinh doanh trong chợ", chị Phạm Thị Thúy Hằng, Chủ tịch HPN phường Phạm Ngũ Lão nói.
Chị em tiểu thương ai cũng hồ hởi nhận túi giấy. Nhiều khách mua hàng cũng yêu cầu chuyển đồ sang đựng trong túi giấy. "Tôi được các chị em trong hội tặng túi giấy để đựng hàng cho khách. Khách hàng ai cũng thích, đỡ phải sử dụng túi nilon, không gây ô nhiễm môi trường", bà Ngô Thị Giang ở ngõ 133 phố Trương Mỹ cho biết.
Từ năm 2016, HPN xã Ninh Thành (Ninh Giang) đã xây dựng mô hình "Phụ nữ tiết kiệm từ thu gom phế liệu", là mô hình đầu tiên trong huyện. Đến nay, mô hình đã có 755 thành viên, chiếm gần 77,6% tổng số hội viên. Các thành viên sẽ tự gom phế liệu (trong đó có đồ nhựa) tại gia đình, đem bán rồi hằng quý nộp số tiền đó cho chủ nhiệm mô hình.
Từ nguồn quỹ này, HPN xã tặng quà, trợ cấp đột xuất cho những chị em khó khăn. "Tham gia sinh hoạt mô hình này vừa giúp chị em nâng cao ý thức phân loại rác thải tại gia đình, giúp môi trường, cảnh quan thôn xóm thêm sạch đẹp, vừa xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ hội viên khó khăn", chị Phạm Thị Hằng, Chủ tịch HPN xã Ninh Thành cho biết.
Đến nay, huyện Ninh Giang đã có 43 mô hình "Phụ nữ tiết kiệm từ thu gom phế liệu" với 4.656 thành viên. Mỗi năm, các mô hình tiết kiệm được khoảng 90 triệu đồng để giúp đỡ hội viên khó khăn.
Lan tỏa hành động đẹp
Ngoài các mô hình trên, các cấp HPN trong tỉnh còn có các mô hình "Làn xanh đi chợ", "Chi hội phụ nữ phân loại rác thải tại hộ gia đình", "Tổ phụ nữ thu gom rác thải"...
Thông qua đó, HPN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường, nói không với túi nilon và RTN. HPN các huyện tích cực vận động hội viên sử dụng túi nilon dễ phân hủy, túi nilon sinh học... thay thế túi nilon thường.
Theo bà Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình và Xã hội (HPN tỉnh), các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon đã được các cấp hội triển khai từ khá lâu.
Khi có lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống RTN, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, hội viên.
Thông qua các buổi sinh hoạt giúp chị em hiểu rõ hơn tác động xấu của túi nilon và RTN đối với môi trường. Nhiều chị em đã dần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nilon hay đồ nhựa dùng một lần.
Thời gian tới, các cấp HPN tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm sản phẩm từ nhựa và phát động cán bộ, hội viên sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường.
Các cấp hội xây dựng mô hình chống RTN, khuyến khích việc tái chế các loại RTN làm đồ chơi và đồ trang trí tại gia đình, cơ quan, đơn vị. Vận động nữ tiểu thương không phát miễn phí túi nilon cho khách, hoặc thay vào đó là cung cấp cho khách hàng túi nilon dễ phân hủy hoặc túi đựng bằng chất liệu khác thân thiện với môi trường...
TÂM PHÚC