Phụ nữ khuyết tật - Cực nhọc trăm bề

28/09/2015 10:53

Những người khuyết tật vốn đã phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng nếu là phụ nữ thì những gì họ phải chịu đựng còn nhiều hơn...




Để lo cho con ăn học, chị T. luôn phải gồng mình vượt qua nhiều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần

Một mình xoay xở

“Những khi ốm đau tôi chẳng dám mua thuốc dùng bởi phải tích cóp từng đồng để con được ăn học bằng chúng bằng bạn”.

Từ khi sinh ra, thị lực của chị Nguyễn Thị T. (49 tuổi) ở xã An Đức (Ninh Giang) đã hạn chế. Khi đi học, chị không thể đuổi kịp chúng bạn, sức học cứ đuối dần vì không nhìn thấy chữ viết trên bảng. Học hết lớp 7 rồi chị phải nghỉ hẳn. Từ đó, đôi mắt của chị càng mờ dần rồi chẳng nhìn thấy bất cứ một vật gì nữa. Đó là di chứng của chất độc da cam mà người cha của chị đã mang về sau chiến tranh. Cũng từ đây, sự tự ti, mặc cảm cứ lớn dần và dày thêm trong suy nghĩ của chị. Chị nghĩ phận mình như thế có lẽ cũng chỉ thui thủi một mình cho đến lúc cuối đời. Nhưng cuộc sống đưa đẩy, chị đem lòng yêu thương một người thường đến san sẻ, tâm sự với mình. Khi chị T. biết mình có thai cũng là lúc người đàn ông kia chối bỏ trách nhiệm. Không giống những người phụ nữ khác, trong quá trình mang thai, chị T. ngập tràn âu lo, không le lói nổi một chút niềm vui, hạnh phúc. Chị chỉ sợ mình đã khiếm thị, sinh con ra cũng không thấy ánh sáng thì khổ cả đời con. Đã có lúc chị suy nghĩ thâu đêm và quyết định sẽ từ bỏ đứa con trong bụng. Nhưng khi tới bệnh viện, được các bác sĩ thông báo tim thai tốt, trong chị lại dấy lên cảm xúc lạ lùng, sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Chính lúc ấy, chị quyết định giữ con bên mình, cố gắng nuôi con nên người dù sau này có gặp muôn vàn trắc trở.  

Tiếp sau đó là những chuỗi ngày cực nhọc, không nhìn thấy, việc lo sinh hoạt cho bản thân đã khó chứ chưa kể đến việc chăm con mọn. Chị cố gắng học cách cho con ăn uống, nhiều đêm thức trắng ôm con dỗ dành. Điều chị lo nhất là chẳng biết lấy tiền đâu để nuôi con khi thiếu thốn trăm bề. Được sự giúp đỡ của anh em, những người hàng xóm tốt bụng, chị cũng gắng gượng vượt qua gian khó.

May mắn hơn chị T., chị Nguyễn Thị K. ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng nhưng dáng người chị nhỏ bé hơn hẳn so với người bình thường, đôi chân đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Tưởng chừng may mắn đến với chị khi có người đàn ông tìm đến san sẻ yêu thương. Nhưng khi chị mang thai, người đàn ông đó bỗng chốc phản bội. Chị sống trong sự dị nghị đàm tiếu của người đời. Nhưng đứa con ra đời đã khiến chị bớt mặc cảm, thêm nghị lực phấn đấu để lo cho con. Con trai chị sinh ra khỏe mạnh, nhưng đến khi đi học, chị K. thấy con  thường xuyên về muộn hơn những bạn cùng lớp, chị gặng hỏi mới biết trên quãng đường về nhà, con phải nghỉ nhiều lần vì đôi chân lên cơn đau. Đến khi con học lớp 6, chị phải đưa con lên các bệnh viện trên Hà Nội. Mất hai năm ròng rã, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình, đôi chân của con trai chị mới có thể đi lại bình thường được.



 Phụ nữ khuyết tật chịu vất vả, khó khăn hơn so với những người đồng cảnh là nam giới


Cần lắm sự sẻ chia


Hai mẹ con chị T. đang sống trong một căn nhà nhỏ, trong nhà chẳng có gì giá trị. Công việc chị T. có thể làm chỉ là ra vườn nhặt cỏ, hái ít rau lang, rau muống cho bữa cơm. Bữa cơm chị nấu lên nhiều khi phủ đầy tro bụi mà chị không biết phải làm thế nào. Có những lúc bưng bát cơm chỉ có vài ngọn rau chị lại rơi nước mắt vì thương con phải chịu nhiều thiệt thòi. Những lúc ấy chị chẳng biết làm gì ngoài việc động viên con cố gắng học tập. Tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt của hai mẹ con chỉ trông chờ vào số tiền vẻn vẹn 270.000 đồng trợ cấp hằng tháng. Ngoài bể nước mưa nhỏ, hai mẹ con chị T. phải dùng nước ao xanh nổi váng để sinh hoạt, gạo cũng phải đi ăn đong. Chị chia sẻ: “Những khi ốm đau tôi chẳng dám mua thuốc dùng bởi phải tích cóp từng đồng để con được ăn học bằng chúng bằng bạn”. Bù lại, sớm hiểu được hoàn cảnh gia đình, con của chị có thành tích học tập xuất sắc, 5 năm tiểu học vừa qua em là học sinh giỏi. Em được thầy cô, bạn bè cảm phục vì nghị lực vượt qua khó khăn. Với chị T., thành tích học tập của con là niềm vui, nguồn động lực giúp chị vượt qua những cơn đau của nhiều căn bệnh đang hành hạ.

Chạy vạy từng đồng để nuôi con học đại học, có những lúc chị K. phải chấp nhận vay nặng lãi để có tiền cho con trang trải sinh hoạt và đóng học phí. Bây giờ, con đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định nhưng mối âu lo của chị cũng chưa dứt khi vẫn còn đó số tiền nợ gần 100 triệu đồng. Chị chỉ dám hy vọng việc làm của con tiến triển, rồi mình chạy chợ, đi buôn đồng nát tích cóp sẽ sớm trả được nợ nần. Lúc ấy có lẽ chị mới bớt được một phần những nỗi lo âu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 35.000 người khuyết tật, trong số đó quá nửa là phụ nữ. Thực tế cho thấy, phụ nữ khuyết tật gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới, đặc biệt là trong vấn đề hôn nhân. Đa phần họ lựa chọn làm mẹ đơn thân để thỏa khao khát làm mẹ và có chỗ nương tựa khi về già. Chị Nga, giáo viên ở Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 là một người khuyết tật và cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người đồng cảnh cho biết: “Phụ nữ thường mang trong mình mặc cảm, tự ti nhiều hơn so với nam giới. Họ thường ngại chia sẻ, thu mình với xã hội, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật ở nông thôn. Mỗi năm trung tâm cũng mở vài lớp dạy nghề như thêu, móc, đan len cho phụ nữ khuyết tật nhưng thực chất con số được đào tạo xong có việc làm ổn định chỉ chiếm khoảng 50%. Đa phần họ vẫn phải nhờ cậy gia đình và dựa vào số tiền trợ cấp của Nhà nước. Hơn nữa, khi quyết định làm mẹ đơn thân, họ cũng phải vượt qua nỗi lo con sinh ra cũng bị khuyết tật, vượt qua rào cản, dị nghị của người đời. Bên cạnh đó, họ rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần để có thể bảo đảm cho cuộc sống".

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ khuyết tật - Cực nhọc trăm bề