Triển khai mô hình trồng rau an toàn đã giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở xã Đại Đức (Kim Thành) có thu nhập khá.
Mỗi năm gia đình chị Vũ Thị Nết thu lãi 64 - 72 triệu đồng từ 4 sào rau an toàn
Hơn 2 năm nay, mô hình "Phụ nữ trồng rau an toàn" tại thôn Nguyễn Bạo, xã Đại Đức (Kim Thành) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mô hình được nhân rộng ra nhiều chi hội, thu hút gần 200 hội viên tham gia.
Thay đổi thói quen
Gia đình chị Vũ Thị Nết, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nguyễn Bạo có 4 sào rau các loại. Những năm trước, chị Nết phun thuốc bảo vệ thực vật cho rau không theo quy trình, có khi chưa có sâu chị cũng phun. Cuối năm 2016, Chi hội Phụ nữ thôn triển khai mô hình "Phụ nữ trồng rau an toàn", chị Nết đã tham gia. Được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) hướng dẫn, chị đã chuyển 4 sào rau của gia đình sang áp dụng mô hình trồng an toàn. "Ngay từ vụ đầu tiên, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đã thực hiện đúng các quy trình từ khâu làm đất, chọn giống đến sử dụng nước tưới, phân bón và các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tất cả đều được ghi chép, theo dõi tỉ mỉ. Thời gian từ khi phun phòng bệnh lần cuối đến khi thu hoạch luôn bảo đảm 10- 15 ngày. Ban đầu cũng thấy lích kích nhưng làm rồi thành quen", chị Nết nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân cũng ở thôn này trồng 3 sào rau, thừa nhận gia đình bà trước đây cũng từng sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Từ năm 2016 đến nay, tham gia mô hình "Phụ nữ trồng rau an toàn", bà đã bỏ thói quen đó. Bà thuộc lòng nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và đúng liều lượng). Rau sau khi phun thuốc bà Xuân cách ly từ 12 - 15 ngày mới thu hoạch để bán cho thương lái. "Trước đây có khi chỉ phun thuốc sâu 5 - 7 ngày tôi đã cắt bán, nhưng nay quy trình này được cán bộ chi hội giám sát rất chặt chẽ nên phải thực hiện đúng, bảo đảm rau bán ra an toàn", bà Xuân nói.
Chị Lê Thị Hoãn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Đức cho biết thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2016 Hội Phụ nữ xã đã chọn việc đột phá là thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Chi hội Phụ nữ thôn Nguyễn Bạo được chọn làm điểm mô hình "Phụ nữ trồng rau an toàn". Tham gia mô hình, chị em hội viên đã từng bước thay đổi phương thức canh tác, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, tăng lượng sử dụng phân bón vi sinh. Để khuyến khích các hội viên tham gia, vụ đầu tiên Hội Phụ nữ xã hỗ trợ chị em toàn bộ cây, con giống. Ở thôn, chị em thành lập các nhóm liên kết trồng rau an toàn, cùng trồng và giám sát lẫn nhau. Mỗi tháng nhóm sinh hoạt một lần cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc và công lao động.
Cho thu nhập khá
Theo chị Vũ Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nguyễn Bạo, mặc dù trồng rau an toàn mất nhiều thời gian chăm sóc, chi phí cao nhưng giá bán lại cao hơn rau đại trà. Ban đầu, toàn thôn có 27 chị em tham gia với diện tích hơn 1,1 ha, đến nay đã có gần 100 chị em trồng khoảng 7 ha. Gia đình chị Nết mỗi vụ thu lãi 4 - 4,5 triệu đồng/sào từ 4 sào rau cải, mồng tơi, rau diếp, mủa. Mỗi năm chị Nết quay vòng 4 - 5 vụ, thu lãi từ 64 - 72 triệu đồng. Gia đình chị Nguyễn Thị Tư có 3 sào trồng rau mùi, rau diếp, mỗi năm cũng thu lãi khoảng 55 - 60 triệu đồng...
Hiện xã Đại Đức có gần 200 hội viên phụ nữ tham gia trồng rau an toàn với tổng diện tích hơn 10 ha. Chị Lê Thị Hoãn cho biết thêm mặc dù thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc rau an toàn, song việc thu hoạch, tiêu thụ còn hạn chế. Rau chưa có nhãn mác xuất xứ, chưa được đóng gói. Khâu tiêu thụ còn phụ thuộc vào các thương lái nên đôi lúc bị ép giá. Tới đây, hội sẽ nghiên cứu phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh hướng dẫn hội viên thu hoạch, đóng gói sản phẩm để rau an toàn của phụ nữ Đại Đức có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
TRƯƠNG HÀ