Photo Hanoi '21 đang diễn ra tại Hà Nội có sự góp mặt của những nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế mang dòng máu Việt và hầu hết đều có chung một nỗi niềm muốn tìm lại căn tính Việt trong mình bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.
Loạt triển lãm ảnh của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong sự kiện Photo Hanoi ’21 do Viện Pháp khởi xướng, không chỉ mang đến cho công chúng hình ảnh một Việt Nam sống động, những góc nhìn độc đáo mà còn là những ranh giới bị phá vỡ của nhiếp ảnh hiện thực truyền thống.
Tìm về "mật mã văn hóa"
Đáng chú ý trong loạt triển lãm thuộc sự kiện Photo Hanoi ’21 là triển lãm "Mê Kông - Chuyện đôi bờ" (tác giả Lâm Đức Hiền) tại Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace, kéo dài đến ngày 12-6, giới thiệu đến người xem kết quả của hành trình xuyên qua 4.200 cây số dọc sông Mekong, từ đời sống sông nước và những cánh đồng nhiệt đới trù phú quen thuộc của cư dân người Việt nơi hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long đến những kỳ thú lạ lẫm của cư dân nơi thượng nguồn Tây Tạng quanh năm tuyết phủ.
Trộn lẫn giữa những khung hình toàn cảnh rộng và những cận cảnh ấn tượng vào những khuôn mặt người, tác giả dắt người xem bước vào chuyến du hành nhiều cảm xúc để ngẫm ngợi về những mênh mang phận người trôi cùng hun hút phận sông.
Và đâu đó giữa thiên ký sự bằng hình ấy, người ta thấy thấp thoáng người đàn ông tha hương luôn đau đáu tìm về cội rễ mình nơi dòng sông mẹ. Đó chính là nỗi niềm tha hương không thể che giấu của tác giả, một nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt sinh ra và lớn lên bên bờ sông Mekong tại Lào.
Trong vài thập niên lăn lộn chụp ảnh những đất nước có chiến loạn, Lâm Đức Hiền đã phải thường xuyên trở về Lào hoặc Việt Nam bởi ở đó ông có cảm giác mình được truyền năng lượng từ con sông Mekong, được con sông xoa dịu và được sống tự do.
Như một người con trở về nơi dòng sông mẹ, Lâm Đức Hiền lặn ngụp trong đời sống ấy, trò chuyện rất nhiều với những người dân địa phương, để phát hiện rằng những người sống hai bên bờ sông có mối liên hệ rất mật thiết với dòng sông.
Và những bức ảnh của ông trở thành một phần của sáng tạo, đi thẳng vào trái tim của người xem và ở rất lâu trong đó.
Bên cạnh Lâm Đức Hiền, loạt triển lãm còn có sự góp mặt của vài nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế mang dòng máu Việt khác cùng khao khát nỗi niềm muốn tìm lại căn tính Việt, cội rễ Việt.
Prune Phi mang đến những bức ảnh khác lạ tập trung khai thác đề tài tuổi trẻ, góp mặt trong triển lãm chung có tên "Khuôn dạng" tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom VCCA đến ngày 12-6.
Các tác phẩm của Prune Phi trong triển lãm nhóm Khuôn dạng
Theo giám tuyển Nguyễn Phương Thảo, trong chuỗi tác phẩm giao thoa giữa nhiều chất liệu của Prune Phi, nghệ sĩ thị giác người Pháp với 1/4 dòng máu Việt đặt câu hỏi về cơ chế của di truyền, ký ức và sự đa căn tính thông qua cách tiếp cận tạo hình với nhiếp ảnh.
Trong triển lãm "Những ngã rẽ: góc nhìn từ châu Âu", những bức ảnh nằm giữa ranh giới nghệ thuật và tư liệu của Mỹ Liên - cô gái sinh năm 1995, được ra đời và lớn lên ở Thụy Sĩ - luôn phản chiếu nỗi băn khoăn về gốc gác của mình.
Chùm ảnh chủ đề hiếu thảo của Mỹ Liên trong triển lãm này chụp tác giả, mẹ và bà ngoại của cô đặt giữa những đồ vật gợi nhắc những níu giữ văn hóa cội rễ của ba người phụ nữ đang sống trong một nền văn hóa khác, đau đáu tìm về căn tính, mật mã văn hóa mà mình thuộc về.
Các lát cắt giàu ý niệm
Nhiều hơn cả trong triển lãm này là những câu chuyện thú vị về đời sống ở TP.HCM ngày nay và các tỉnh phía Nam. Các bức ảnh đều có chung một cái tên theo công thức "Tôi đến từ..." như một cuộc ra mắt lớn của đời sống từ mọi vùng miền văn hóa trên đất nước Việt Nam với khán giả, một cuộc "điểm danh" của văn hóa giàu có của đất nước 54 dân tộc anh em.
Người xem hẳn sẽ rất thú vị khi ngắm tác phẩm mà phía trước tòa nhà "trái bắp" ở TP Hồ Chí Minh là những phụ nữ dân tộc thiểu số và cô gái nông thôn đứng quay mặt nhìn về phía tòa nhà, quay lưng lại khán giả và vô vàn những sáng tạo thú vị khác.
Chùm ảnh "Đối thoại câm" của Trần Lê Quỳnh Anh trong triển lãm "Khuôn dạng" thì tưởng như đi ra ngoài khái niệm nhiếp ảnh thông thường khi cô chẳng chụp một đối tượng nào mà chỉ làm việc trong phòng tối, sử dụng kết hợp giữa các kỹ thuật, vật liệu, hóa chất và ánh sáng để tạo ra những tác phẩm như những bức tranh trừu tượng đen trắng để lột tả chính nội tâm của mình: "hỗn loạn, hoang mang, bức bối và vô định dạng".
Là một họa sĩ chuyển sang chụp ảnh, những bức ảnh của Nguyễn Phương cũng hoàn toàn nhòe mờ hiện thực, chỉ còn lại cuộc chơi của màu sắc tạo ra bởi ánh sáng tạo một bức tranh thật sự.
Ngay cả những bức ảnh tưởng rất hiện thực như của Duy Phương, Yến Dương trong triển lãm "Khuôn dạng" hay Alexandre Garel, Loes Heerink trong triển lãm "Những ngã rẽ: góc nhìn từ châu Âu" đều tìm cho mình ngã rẽ rất riêng biệt trong nhiếp ảnh.
Duy Phương chọn chụp bảng quảng cáo tại những khu công trình đô thị và chung cư đang xây dựng ở các thành phố lớn vào ban đêm. Những bức ảnh không qua cắt ghép nhưng lại cho ra những bức ảnh đầy bất ngờ, một vũ điệu đa dạng và rực rỡ của sắc màu từ những hình ảnh tòa nhà cao tầng tẻ nhạt, giống nhau được quảng cáo.
Yến Dương cho khán giả nhìn vào bên trong một căn phòng ở Sài Gòn của một cô gái trong những ngày dịch COVID-19 từ tháng 4-2020 tới gần đây. Trong đó, hình ảnh một bình hoa đang tàn lụi, một chậu rửa bát đầy rác đủ màu là vỏ hoa quả trong căn phòng cô gái chống dịch được chụp lại hóa ra có thể kể nhiều câu chuyện.
Alexandre Garel thì chọn lối rẽ riêng là nhiếp ảnh kiến trúc với những bức ảnh đẹp lộng lẫy về các công trình kiến trúc ở Việt Nam, trong khi Loes Heerink chọn chụp cận cảnh vào những họa tiết độc đáo trên lớp vỏ của những cổ thụ.
Rất nhiều "món" thú vị của nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới đưa người xem dạo chơi thênh thang qua những biên giới rất khác.
Theo Tuổi trẻ