Bệnh viêm phổi có các triệu chứng gồm ho, sốt, khó thở, đau tức ngực. Ban đầu, bệnh nhân có thể ho khan, sau đó có đờm vàng, xanh đặc. Trong khi đó cảm cúm thông thường khiến bệnh nhân mệt mỏi, ho khan, sốt không cao nhưng rét run như bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân có triệu chứng viêm long đường hô hấp trên kèm theo hắt hơi, sổ mũi và đau rát họng.
Viêm phổi do vi khuẩn thường gặp nhất là do phế cầu. Ngoài ra có một số virus cũng có thể gây viêm phổi nặng, đặc biệt virus nhóm Corona như SARS-CoV, MERS-CoV và hiện nay là virus chủng mới (nCoV).
Virus xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp gồm mũi, họng. Nếu lượng virus đủ lớn, hàng rào bảo vệ của cơ thể không đủ mạnh, virus sẽ xâm nhập vào phế quản, vào phổi, sinh sôi tại đó và gây các phản ứng viêm, tổn thương phổi.
"Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus, cần chủ động phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt khi bệnh do nCoV đang phát tán", bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm nói.
Các nguyên tắc phòng bệnh chung gồm đeo khẩu trang, giữ ấm cổ bằng khăn quàng và vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy thường xuyên để ngăn chặn virus xâm nhập từ đường mũi, họng.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị khám cho bệnh nhân cao tuổi mắc viêm phổi trên nền bệnh đái tháo đường sáng 12.2 |
Người dân cần chú ý rửa tay thường xuyên trước khi ăn và loại bỏ thói quen đưa tay vào mũi, họng. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió sau đó lau người thật khô trước khi mặc quần áo sạch. Người già và trẻ nhỏ cần tránh quạt máy và máy lạnh, không uống nước lạnh có đá, không khí luôn cần được thông thoáng.
Bác sĩ Khiêm khuyến cáo người già và trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên nhóm này cần chủ động đi tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm nhằm tăng sức đề kháng.
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi, người dân cần kết hợp các biện pháp nói trên cùng với tăng cường bổ sung vitamin từ rau xanh, hoa quả. Luyện tập thể dục thể thao cũng là cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả.
Hiện một số người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh, để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt. Một số bệnh nhân sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát dù không có chỉ định.
Bác sĩ Khiêm cảnh báo tự ý mua kháng sinh để uống sẽ làm tăng vi khuẩn kháng kháng sinh, khiến người bệnh và các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị. Việc sử dụng lại đơn thuốc nhiều lần không được khuyến khích do có thể không phù hợp với triệu chứng hoặc bệnh mắc phải cùng tình trạng cơ thể. Người dân không nên tự ý dùng thuốc khiến bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.
Người dân cũng cần tránh tập trung nơi đông người để tự bảo vệ bản thân. Người có triệu chứng cảm cúm, có tiền sử tiếp xúc với người từ vùng dịch về hoặc những người có nguy cơ, cần chủ động báo với cơ quan y tế và tự cách ly để tránh lây bệnh cho cộng đồng, bác sĩ Khiêm cho biết.
Theo VnExpress