Đấu tranh với những “viên đạn bọc đường” là một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần cam go...
Ngay sau khi Cơ quan An ninh điều tra thông báo chính thức việc khởi tố và bắt tạm giam cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, Bộ trưởng Công an đã ban hành Công điện số 795/BCA-V11 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong Công an nhân dân. Nội dung công điện nêu rõ bên cạnh những thành tích đạt được, tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật, điều lệnh trong Công an nhân dân thời gian gần đây vẫn còn xảy ra, thậm chí có trường hợp vi phạm là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, sĩ quan cao cấp. Trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng như bao che, tiếp tay cho tội phạm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Đây là một nhìn nhận thẳng thắn nhưng cũng rất đau xót bởi chỉ trong một thời gian ngắn, hai cán bộ công an cao cấp là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc qua internet lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Một người chỉ bị coi là có tội khi bản án của tòa tuyên có hiệu lực, nhưng với việc bị Chủ tịch nước quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa rõ ràng đã đánh mất phẩm chất cần có của một chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Dư luận bàng hoàng trong vụ án này bởi những cán bộ công an có trách nhiệm trực tiếp cao nhất trong đấu tranh phòng chống loại tội phạm cờ bạc công nghệ cao lại chính là những người bị cáo buộc có hành vi tiếp tay, đồng phạm. Phải chăng lợi nhuận khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã khiến những cựu sĩ quan cao cấp này mờ mắt, đánh mất mình. Trước đây, trong vụ án Năm Cam, chúng ta cũng đã có bài học sâu sắc về sự tha hóa của cán bộ trong lực lượng công an, điển hình là cựu Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh Dương Minh Ngọc đã bảo kê cho tổ chức tội phạm này. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống, từng được phong danh hiệu anh hùng vì lập nhiều thành tích đấu tranh với tội phạm, nhưng Dương Minh Ngọc không tránh được những “viên đạn bọc đường” mà đánh mất tất cả, đến khi hối hận không kịp.
Trên thực tế, đây chỉ là những trường hợp cá biệt, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Lực lượng Công an nhân dân vẫn đang ngày đêm gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời bình, vẫn có những cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh hoặc bị thương trong khi làm nhiệm vụ, nhiều tấm gương quên mình cứu dân trong thiên tai, hỏa hoạn…
Trong điều kiện công tác đặc thù nhiều khó khăn, bên cạnh những nguy hiểm khi đối mặt với các loại tội phạm, các chiến sĩ công an cũng luôn phải đối phó với những cám dỗ vật chất, những lợi ích mà tội phạm, đặc biệt là tội phạm kinh tế đưa ra làm mồi nhử. Bởi vậy, đấu tranh với những “viên đạn bọc đường” là một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần cam go, là cuộc chiến đấu nội tâm của người chiến sĩ trước sức ép của cám dỗ vật chất, của mối lo “cơm áo gạo tiền” cho gia đình...
Năm 2018, lực lượng Công an nhân dân vừa tổ chức kỷ niệm “70 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”. Bộ trưởng Công an đã yêu cầu chủ động phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân, lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an.
Những trường hợp như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa sẽ là bài học sâu sắc trong việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Và khi đã chỉ ra được nguy cơ, có biện pháp xử lý cương quyết, nhân dân sẽ càng thêm tin tưởng và ủng hộ lực lượng Công an nhân dân.
TRẦN NGỌC TÚ