Những người mắc bệnh mãn tính có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu... khi gặp thời tiết nắng nóng, dễ bị đột quỵ.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đón tiếp nhiều bệnh nhân bị đột quỵ trong đợt nắng nóng
Nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ
Đợt nắng nóng đầu tiên những ngày qua tại miền Bắc, mỗi ngày khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị đột quỵ. Đây mới là thời điểm đầu hè và con số này sẽ còn gia tăng khi theo dự báo tình hình nắng nóng năm nay sẽ đạt mức kỷ lục.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 phải làm việc suốt 24/24 giờ bởi tình trạng bệnh nhân được ghi nhận có tăng trong những ngày gần đây. Mỗi ngày, có tới vài chục ca đột quỵ vào cấp cứu. Số lượng bệnh nhân nặng tăng vọt khiến các bác sĩ phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối. Điện thoại, nhóm chát mở 24/24 giờ để liên tục hội chẩn tìm cách cứu bệnh nhân.
PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà nó chỉ là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
“Nóng quá gây căng thẳng, thậm chí quên uống thuốc, quên đi khám... làm cho người bệnh tình trạng bất ổn tăng lên. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mãn tính khác, gia tăng trong thời tiết nắng nóng”, TS Chi nói.
Ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 103, tình hình bệnh nhân phải vào cấp cứu cũng gia tăng trong những ngày nắng nóng này. Đại tá, bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng Khoa Cấp cứu cho hay trong khoảng 3-4 gần đây, mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận 200-250 bệnh nhân. Đây là số lượng tăng đột biến so với thời gian trước khi cao nhất chỉ khoảng 150 ca. Các ca vào viện chủ yếu do rối loạn điện giải, rối loạn tiêu hóa, sốc nhiệt, đột quỵ… Đa phần đều có liên quan tới yếu tố nắng nóng. Do đó, nếu thời tiết tiếp tục gia tăng nắng nóng, số bệnh nhân sẽ còn tăng.
Theo PGS Chi, môi trường, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Những người mắc bệnh mãn tính có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì... khi gặp điều kiện thờ tiết nắng nóng, dễ bị đột quỵ.
Tuy nhiên, đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng bị. “Hiện mô hình bệnh tật ở nước ta khá giống các nước phát triển, khi bệnh nhiễm trùng giảm, không gian nhiễm trùng tăng lên. Những người trẻ cũng mang các yếu tố nguy cơ không khác người lớn tuổi. Do đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng tương tự”, chuyên gia này cảnh báo.
Đừng quên thời gian vàng cấp cứu đột quỵ
Bác sĩ Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến với Khoa Cấp cứu trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
BS Đào Việt Phương thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Khoa Cấp cứu
Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn.
“Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đối với bệnh nhân đột quỵ như kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ… giúp cứu sống và phục hồi tốt cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ vàng chỉ chiếm gần 10%”, BS Phương cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, những người mắc huyết áp hoặc có bệnh nền cần tuân thủ điều trị thuốc, có chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục hằng ngày. Đặc biệt, bệnh nhân tăng huyết áp có những yếu tố nguy cơ cao khi giao mùa, bác sĩ phải kiểm soát chặt người bệnh, người nhà phải phối hợp trong chăm sóc bệnh nhân. Nếu không kiểm soát tốt thì mùa hè cũng nguy cơ như mùa đông, tức là trong môi trường vượt độ quá nhiều độ cơ thể chịu đựng thì có thể xảy ra nhiều biến cố.
Trước đây, trong 10 ca đột quỵ chỉ cứu được một người thì nay với những kiến thức được trang bị tại gia đình và sự phát triển hiện đại của y học, đã có thể cứu được 5-6 ca.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội. Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân. |
THIÊN LAM (Nhân dân)