Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tranh chấp lao động cuối năm.
Như thường lệ, cuối năm là thời điểm dễ xảy ra tranh chấp lao động. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp, nhất là những công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu bước vào giai đoạn nước rút hoàn thiện các đơn hàng. Doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, yêu cầu người lao động (NLĐ) tăng ca với cường độ cao nên nhu cầu lao động lớn. Bên cạnh đó, những vấn đề về chi tiền thưởng Tết, tăng lương cơ bản... cũng dễ gây ra mâu thuẫn giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp.
Thực tế ở Hải Dương trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đình công liên quan đến những vấn đề này vào dịp cuối năm như ở các Công ty TNHH GFT Việt Nam (Tứ Kỳ), Nam Sinh (Cẩm Giàng), NamYang Delta (TP Hải Dương), VietStar (Thanh Miện)... Có những vụ đình công kéo dài với sự tham gia của hàng nghìn công nhân. Việc này diễn ra như quy luật trong nhiều năm qua trên cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đưa ra các biện pháp ngăn ngừa trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Trách nhiệm này thuộc về cả ba phía cơ quan chức năng, chủ sử dụng lao động và NLĐ.
Khi xảy ra tranh chấp lao động mà đỉnh điểm là đình công thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên là chủ sử dụng lao động. NLĐ nghỉ việc để đình công sẽ khiến sản xuất bị ngưng trệ. Vào thời điểm các đơn hàng cần làm gấp thì mức thiệt hại sẽ càng tăng lên. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện đúng các chính sách đối với NLĐ về làm thêm giờ, trả lương cơ bản theo quy định vào từng thời điểm. Trong trường hợp cần tăng ca phải thỏa thuận với NLĐ, trả tiền công đầy đủ, công khai. Trong quá trình phát triển sản xuất nếu có chính sách đãi ngộ tốt cho NLĐ cũng sẽ hạn chế tranh chấp lao động tập thể vào dịp cuối năm. Chi tiền thưởng Tết cần bảo đảm cân đối với mức bình quân chung của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn. Trong trường hợp sản xuất khó khăn không thể thực hiện được nên công khai để NLĐ cảm thông, chia sẻ.
Cơ quan chức năng quản lý nhà nước về lao động cần tích cực nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện làm thêm giờ, trả lương cơ bản của các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty từng xảy ra tranh chấp lao động. Xử lý nghiêm, công khai những doanh nghiệp có vi phạm để làm gương. Tổ chức công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, đặc biệt là công đoàn cơ sở phải tăng cường nắm bắt việc thực hiện chế độ của doanh nghiệp, tâm tư của NLĐ vào dịp này để kịp thời can thiệp, tổ chức đối thoại khi có mâu thuẫn xảy ra trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Về phía người lao động cần hiểu rõ khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể thì đình công là việc "cực chẳng đã" vì sẽ làm xấu thêm mối quan hệ lao động giữa hai bên. Người lao động cần nắm rõ quy định về các chế độ chính sách để không bị vi phạm về quyền lợi, bớt xén. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm nên kịp thời đề xuất với công đoàn cơ sở để được giải quyết. Nếu thấy tình trạng kéo dài có thể kiến nghị với công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp hoặc cơ quan quản lý nhà nước nhờ can thiệp, hỗ trợ giải quyết.
THANH NGỌC (TP Hải Dương)