Đái tháo đường là bệnh tăng đường máu mãn tính xảy ra ở bất cứ độ tuổi, giới tính hay sắc tộc nào.
Lấy máu xét nghiệm để phát hiện bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh mà còn cả gia đình và toàn xã hội.
Ngày phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới năm 2019 có chủ đề “Gia đình và bệnh đái tháo đường”. Chủ đề này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác động của căn bệnh; thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa bệnh đái tháo đường.
Số người mắc bệnh đái tháo đường ở mức báo động
Đái tháo đường (hay tiểu đường, đái đường) là một bệnh chuyển hoá, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Đây là một loại bệnh rất hay gặp, chiếm tỉ lệ tới 60-70% các bệnh về nội tiết nói chung) và gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể.
Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017, toàn thế giới có trên 425 triệu người bị bệnh này, con số dự kiến sẽ tăng lên 629 triệu người vào năm 2045. Gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường cao gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác.
Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường
Thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, hiện có gần 5 triệu người mắc bệnh. Ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có một bị tiểu đường, tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua.
Bệnh đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nguy hiểm hơn là tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận...
Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Gia đình cùng hành động phòng chống bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường thực sự là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Việc điều chỉnh lối sống, sẽ giúp ngăn ngừa phòng chống đái tháo đường.
Để cải thiện các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền cũng như thực hiện lựa chọn lối sống lành mạnh.
Đối với tất cả các loại bệnh tiểu đường bao gồm bệnh tiểu đường type 1, gia đình bệnh nhân có vai trò lớn trong việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Còn bệnh tiểu đường type 2 có thể được ngăn chặn bởi một lối sống lành mạnh. Các biện pháp để giảm nguy cơ bệnh tiểu đường trong gia đình có thể thực hiện tại nhà.
Để dự phòng đái tháo đường type 2 ở người trẻ, theo các chuyên gia y tế, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường. Chính vì vậy, cha mẹ cần bỏ suy nghĩ “vỗ béo” cho con bằng cách cho con ăn thật nhiều, thậm chí cho uống nước ngọt có gas mà không kiểm soát.
Ngoài ra, nên cho trẻ vận động bằng các hoạt động thể dục, thể thao hằng ngày, đừng để trẻ ngồi một chỗ quá lâu. Dinh dưỡng hợp lý và vận động là 2 phương pháp cực kỳ quan trọng để phòng tránh đái tháo đường.
Đối với những trường hợp đã mắc bệnh, chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị, thực hiện chế độ ăn uống khoa học cùng với việc duy trì luyện tập thể lực đều đặn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần duy trì dinh dưỡng hợp lý và tập luyện có thể giúp 58% bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu, trong khi nếu chỉ dùng thuốc thì tỷ lệ này chỉ ở mức 31%.
Một chế độ dinh dưỡng khoa học cho người bệnh đái tháo đường, đó là phải duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, vitamin từ rau xanh, trái cây tươi, hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần bữa tối; tránh xa đồ uống có cồn và chất kích thích.
Thêm vào đó, tăng cường vận động, tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Ngoài ra, nên kiểm tra cân nặng thường xuyên để kịp thời điều chỉnh trong mức cho phép. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh giúp ngăn chặn và làm giảm các biến chứng nguy hiểm.
Theo TTXVN