Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu
Chiều 20.4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.
Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Từ đầu năm 2023 đến nay, 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển đã xảy ra. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng. Ngay cuối tháng 3.2023, nắng nóng đã xảy ra vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình.
Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2022 là năm thiên tai diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, xuất hiện các hiện tượng cực đoan, gây nhiều thiệt hại người, tài sản, sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng... ước thiệt hại kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, lãnh đạo tỉnh và các đơn vị chức năng đã chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại theo đúng quy định. Xác định ưu tiên và xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực tại địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, năm 2022, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố nói chung, công tác phòng, chống ngập lụt đô thị nói riêng đã có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của một số ngành, địa phương chưa được tốt. Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Một số dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, kéo dài...
Để khắc phục tình trạng này, thành phố kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ vốn triển khai các dự án phòng, chống thiên tai; xây dựng hành lang thoát lũ các tuyến sông trên địa bàn thành phố, hỗ trợ thành phố rà soát, nghiên cứu có giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài.
Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm để làm tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước. Cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn... Ngành tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo; hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.
Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mới tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube...
Các địa phương tham dự trực tuyến
Dự báo, cảnh báo thiên tai bảo đảm chính xác, kịp thời
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế đã có sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác nhằm hạn chế rủi ro thiên tai và tái thiết sau thiên tai. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài, đó là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện, chưa sát với thực tế.
Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu...
"Trước diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, công tác phòng, chống thiên tai ngày càng khó, trong khi đó nguồn lực đối với công tác này không thay đổi. Đây chính là những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ trong công tác phòng, chống thiên tai", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai. Đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai bảo đảm yêu cầu chính xác, kịp thời.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. Các địa phương cần quan tâm đến việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai) tổng hợp kiến nghị các địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân chủ trì tại điểm cầu Hải Dương
Phát biểu chỉ đạo ngay sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đề nghị các cấp, các ngành không chủ quan, lơ là trước những tình huống thiên tai. Các cơ quan, đơn vị chủ động bám sát diễn biến, tình hình thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời. Cần tăng cường và nâng cao chất lượng các buổi tập huấn, diễn tập cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát các trọng điểm phòng chống thiên tai, đề xuất phương án xử lý, ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuỷ lợi, đê điều làm ảnh hưởng tới năng lực, chất lượng công trình. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về phòng chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, báo cáo theo quy định.
Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công phụ trách để nắm bắt và đề xuất phương án xử lý các sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu.
Năm 2022, trên địa bàn Hải Dương xuất hiện một số loại hình thiên tai như giông lốc, mưa lớn, lũ, bão, sét... làm 2 người chết, gây thiệt hại về kinh tế hơn 130 tỷ đồng. Thiên tai gây ra 3 sự cố đê điều phải xử lý khẩn cấp và 4 sự cố về công trình nội đồng.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm 2023, đến ngày 20.4, tỉnh Hải Dương đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị. 12 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập xong các lực lượng phòng chống thiên tai gồm 318 đội tuần tra canh gác đê với 4.014 người; 235 đội xung kích phòng chống thiên tai có tổng số 29.649 người; 44 đội cắm cừ, đào mò với 1.025 người; 18 đội giao thông hoả tốc với 185 người. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bố trí lực lượng xung kích ứng cứu gồm 43.625 người và 655 phương tiện. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều, thuỷ lợi, các khu vực xung yếu để xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm.
TTXVN - PV