Văn hóa - Giải trí

Phim "Kẻ ăn hồn" mắc lỗi kịch bản, diễn xuất

Theo VnExpress 18/12/2023 09:21

Phim kinh dị 18+ "Kẻ ăn hồn" còn sạn kịch bản và dàn diễn viên nhập vai chưa đồng đều.

Hoàng Hà trong vai Phong - vai chính Kẻ ăn hồn. Ảnh: Thạch Thảo

Hoàng Hà trong vai Phong - vai chính "Kẻ ăn hồn"

* Bài tiết lộ một phần nội dung phim

Phim ra rạp ngày 15/12, do đạo diễn Trần Hữu Tấn (Chuyện ma gần nhà, Rừng thế mạng) chuyển thể từ tiểu thuyết của Thảo Trang. Khi công bố hồi tháng 11, tác phẩm được quan tâm nhờ hiệu ứng của Tết ở làng Địa Ngục - series kinh dị cùng êkíp sản xuất, chiếu trên Netflix. Bản điện ảnh là tiền truyện của series, diễn biến chính xảy ra trước "làng Địa Ngục" khoảng nửa thế kỷ.

Kịch bản Kẻ ăn hồn độc lập với Tết ở làng địa ngục nên nhiều khán giả chưa xem series vẫn có thể hiểu nội dung. Phim mở màn với cảnh đám cưới của Phong (Hoàng Hà) và Sang (Võ Điền Gia Huy) tại ngôi làng tách biệt với thế giới xung quanh. Người trong làng từ lâu không thể xuống núi, chịu một lời nguyền lâu đời vì tổ tiên họ từng gây nên nhiều vụ thảm sát. Phong phát hiện một phụ nữ lạ mặt xuất hiện trong lễ cưới, song cha cô và những người xung quanh đều không tin.

Sau đó, loạt vụ án mạng lần lượt diễn ra trong làng, dần hé lộ tình tiết liên quan đến Thập Nương (Lan Phương) - một linh hồn có khả năng tà thuật. Phong vừa bảo vệ gia đình và dân làng, vừa tìm chân tướng kẻ thủ ác.

Khâu diễn xuất của phim chưa đồng đều. Đóng cùng Hoàng Hà (Em và Trịnh), Võ Điền Gia Huy chênh lệch về khả năng biểu cảm lẫn đài từ. Vai Sang mờ nhạt ở hai hồi đầu và chỉ có nhiều "đất" diễn ở cuối phim, khi chân dung hung thủ bị phát hiện. Ở một số đoạn nhân vật bộc lộ nội tâm, đối diện trước biến cố, diễn viên 26 tuổi chưa đẩy được tâm lý lên cao trào, ánh mắt thiếu sinh động. Tuyến tình cảm của Sang và Phong cũng chưa thuyết phục người xem vì diễn xuất của hai còn thiếu độ gắn kết.

Trong buổi chiếu sớm ở TP Hồ Chí Minh hôm 14/12, một số khán giả nhận xét đài từ của Gia Huy kém, nhiều đoạn thoại không rõ lời. Diễn viên thừa nhận đây là điểm yếu của anh từ một số dự án trước, càng lộ rõ hơn khi chuyển sang đóng phim kinh dị. "Tôi cũng chưa hài lòng hoàn toàn khi xem lại tác phẩm và sẽ nỗ lực cải thiện ở các phim tiếp theo với sự góp ý của mọi người", anh nói.

Võ Điền Gia Huy vào vai Sang - nam chính.

Võ Điền Gia Huy vào vai Sang - nam chính

Các diễn viên còn lại, như Chiều Xuân (bà Tám Kheo), Lan Phương (Thập Nương), chủ yếu ở mức tròn vai. Hoàng Hà là gương mặt hiếm hoi để lại dấu ấn khi đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện. Nhân vật Phong có sự phát triển về tâm lý, nhất là cảnh cô đối đáp lại người cha trưởng làng khi ông không chịu đưa người dân xuống núi.

Tác phẩm mất cân đối về mặt kịch bản. Với thời lượng 109 phút, đạo diễn xây dựng không khí kinh dị pha màu sắc điều tra, trinh thám, chia làm ba hồi. Lucas Luân Nguyễn - blogger điện ảnh ở TP Hồ Chí Minh - đánh giá phim gặp hạn chế ở cách kể chuyện. Phần đầu còn lan man, chủ yếu để giới thiệu dàn nhân vật cùng bối cảnh chung. Sang hồi cuối, nhịp phim nhanh hơn với loạt biến cố, tạo cảm giác dồn dập quá mức cho người xem. "Ở phần đầu, tôi không biết đang dõi theo câu chuyện của ai, nhân vật chính có mục tiêu gì khi thế giới của ngôi làng bỗng chốc đảo lộn. Đến cuối, phim lại gây cảm giác bội thực, dễ khiến khán giả bối rối", Luân Nguyễn nói.

Phim còn gặp hạn chế ở phần kỹ xảo, một số cảnh thể hiện trình độ VFX kém mượt mà. Các phân đoạn đom đóm bay lập lòe trong đêm, đám cháy không đạt được hiệu ứng như mong muốn vì lộ rõ đồ họa vi tính.

Ưu điểm của tác phẩm chủ yếu ở khâu tạo hình. Với thế mạnh làm phim kinh dị, êkíp khắc họa thành công không gian u ám của "làng địa ngục", hình ảnh con đò chở vong, cách nhân vật luyện tà thuật. Ngôi làng - bối cảnh chính của phim - mang vẻ ma mị, lạnh lẽo của vùng cao nguyên đá Hà Giang, nằm cô độc với làn sương mờ.

Nhà làm phim đầu tư vào yếu tố phục trang, trong đó có cảnh đám cưới đầu phim. Cảnh quay gây ấn tượng với tông đỏ chủ đạo, cài cắm nhiều chi tiết về văn hóa dân gian. Đoàn người trong đám rước diện cổ phục với áo ngũ thân, đối khâm, giao lĩnh. Các nhân vật đeo mặt nạ giấy hình chuột - một tập tục trong làng để "tránh bị đom đóm câu hồn".

Không lạm dụng hù dọa bằng jumpscare, phim gieo rắc nỗi sợ với hiệu ứng thị giác, tiếng động. Các nạn nhân của lời nguyền "mồ hôi máu" được tạo hình vết thương dạng lỗ trên cơ thể - một chủ ý của đạo diễn nhằm khơi gợi hội chứng sợ lỗ tròn (Trypophobia) cho người xem. Âm thanh được điều chỉnh về độ vang, tạo cảm giác những giọng nói từ nơi xa xăm vọng về, như cảnh nữ chính bị ma quỷ gọi tên.

Phim giải thích xuất thân của Thập Nương (Lan Phương đóng) trước khi có Tết ở làng Địa Ngục.

Thập Nương - phản diện trong phim - được tạo hình ma mị của kẻ chuyên săn bắt linh hồn

Trước khi được cấp phép phát hành, phim trải qua ba lần kiểm duyệt, công chiếu trễ một tuần so với dự kiến. Đạo diễn Hữu Tấn nói tác phẩm được tiết chế ở một số tình tiết kinh dị, đồng thời làm mờ hình ảnh con rối, song cho biết các chi tiết chỉnh sửa không ảnh hưởng tổng thể nội dung. Sau hai ngày ra rạp, tác phẩm đứng đầu top phim ăn khách trong nước với 20 tỷ đồng, tính đến tối 16/12, theo Box Office Vietnam.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim "Kẻ ăn hồn" mắc lỗi kịch bản, diễn xuất