Tổng thống Philippines nói sẽ ra lệnh cho hải quân hành động nếu các nước khác khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế.
Tổng thống Duterte trên boong tàu chiến Trung Quốc khi nó đến thăm Philippines hồi năm ngoái - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố được đưa ra trong một cuộc họp báo cuối tuần này.
Nhấn mạnh chủ quyền đối với khu vực thềm lục địa Benham Rise (vốn đã được đổi tên thành Philippines Rise), ông Duterte khẳng định Philippines sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về các khu vực tranh chấp khác trên Biển Đông.
"Chúng ta không thể đấu với người Mỹ, tương tự như vậy là người Trung Quốc. Tôi vẫn sẽ im lặng nhường nhịn. Nhưng khi các người lấy bất kỳ thứ gì đó ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, tôi sẽ ra lệnh cho hải quân khai hỏa", hãng thông tấn AP ngày 10.2 dẫn lời ông Duterte.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Quốc gia ven biển có quyền tài phán và khai thác tài nguyên trong khu vực trên. Tuy nhiên, tàu bè nước ngoài vẫn có quyền "qua lại vô hại" trong vùng đặc quyền kinh tế, cấm tuyệt đối các hành vi khai thác tài nguyên như dầu khí.
Không có bình luận ngay lập tức từ Mỹ hoặc Trung Quốc.
Thực tế, theo một số nhà bình luận, tuyên bố của ông Duterte nhằm trấn an các luồng ý kiến lo ngại trong nước. Đích thân ông Duterte hồi năm ngoái đã cho phép Trung Quốc được tiến hành nghiên cứu khoa học tại Philippines Rise - khu vực có tiềm năng to lớn về dầu mỏ và cá.
Trong một quy định mớ được áp dụng gần đây, chính quyền Manila đã siết chặt các sứ mệnh nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong EEZ.
"Tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến Philippines Rise. Nó là của chúng ta, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", ông Duterte nói.
Khu vực Philippines Rise, với diện tích khoảng 24 triệu ha, nằm ở phía tây Philippines và trong cửa ngõ tiến ra Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, sự xuất hiện của một tàu nghiên cứu Trung Quốc ở khu vực đã làm dấy lên sự lo ngại và những chỉ trích tại Philippines đối với chính quyền Duterte.
Người ta nghi ngờ con tàu thực chất đang thăm dò dầu khí chứ không phải khảo sát địa hình để tìm tuyến đường mới ra đại dương cho tàu ngầm Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Tổng thống Harry Roque Jr. cho biết tất cả các nhóm khoa học nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc công việc nghiên cứu của họ ở Philippines. Ông Duterte muốn những người sau phải là người Philippines.
"Nếu quý vị đã tuyên bố chủ quyền đối với cả một đại dương thì làm ơn đừng gây rối hay để mắt tới vùng đặc quyền kinh tế nhỏ xíu của chúng tôi", ông Duterte nói nhưng không nêu đích danh nước nào.
Thực tế dư luận luôn đặt ra câu hỏi vì sao ông Duterte lại cấp phép nghiên cứu biển cho Trung Quốc ở vùng biển phía đông trong lúc vẫn còn tranh chấp với Bắc Kinh ở phía tây. Họ cũng chỉ trích ông đã góp phần làm lu mờ và xóa nhòa phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Biển Đông ở La Hay (Hà Lan), trong đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại khu vực.
Philippines vẫn tin vào các cam kết của Trung Quốc, rằng Bắc Kinh sẽ không tiến hành việc cải tạo và xây dựng trên Biển Đông.
"Tôi sẽ cố gắng để Bắc Kinh giữ đúng lời hứa của họ. Trung Quốc đang làm đúng", ông Duterte nói, nhấn mạnh các động thái như hiện tại của Trung Quốc bắt nguồn từ việc Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng. Nhà lãnh đạo Philippines khẳng định quốc gia này sẽ bình yên vô sự trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và sự trỗi dậy của Bắc Kinh.