Giới phân tích dự báo khối lượng hỗ trợ tài chính cho Kiev sẽ giảm đáng kể vào năm 2025 và liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy các nước phương Tây dần rút khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine?
Khó khăn bủa vây các nước phương Tây
Thời gian gần đây, hàng loạt phương tiện truyền thông hàng đầu phương Tây, điển hình như Politico, Guardian, The Economist, Fox News, Washington Post, Le Figaro, Stern, Spiegel… đã nói về “sự hỗ trợ Kiev ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang suy giảm”. Theo ghi nhận, xu hướng thay đổi quan điểm về cuộc xung đột Nga - Ukraine xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 3/2023. Sau các chiến dịch quân sự quy mô lớn từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2024 của quân đội Ukraine không đạt được kết quả như mong muốn, xu hướng này lại xuất hiện trở lại trên các phương tiện truyền thông phương Tây, với tần suất dày đặc hơn.
Ở châu Âu, truyền thông và chính giới các nước này ngày càng quan ngại về vấn nạn tham nhũng dai dẳng ở Ukraine cũng như tâm trạng mệt mỏi vì chiến sự ở trong nước, cả từ quân đội và dân thường. Trong khi đó tại Mỹ, khi chiến dịch bầu cử tổng thống đang bước vào giai đoạn nước rút quan trọng, truyền thông nước này chỉ trích chính quyền đương nhiệm là thiếu mục tiêu rõ ràng trong việc tham gia vào các cuộc khủng hoảng. Có lẽ đây chính là lý do mà trong chiến dịch tranh cử của mình, Đảng Dân chủ luôn muốn tránh đề cập đến vấn đề Ukraine, bài toán mà chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Mới đây, ông Biden đã hủy chuyến thăm Đức và hội nghị thượng đỉnh Ramstein (cơ chế hợp tác gồm khoảng 50 quốc gia viện trợ cho Ukraine), đáng lẽ được tổ chức vào ngày 12/10.
Bên cạnh đó, các xu hướng chính trị nội bộ ở châu Âu, nơi mà các lực lượng chính trị yêu cầu chấm dứt chiến sự và phản đối chính quyền đương nhiệm viện trợ quân sự cho Kiev lại có tỷ lệ tín nhiệm cao. Ở Pháp, phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron bị giới hạn bởi đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất (LFI) và Mặt trận Quốc gia (RN). Ở Đức, đảng cánh tả Liên minh Sarah Wagenknecht và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Và có lẽ đáng chú ý nhất là những lời lẽ cực kỳ gay gắt đối với Ukraine và cá nhân Tổng thống Volodymyr Zelensky từ những người ủng hộ Donald Trump ở Mỹ khi mà cơ hội chiến thắng cho ứng viên đảng Cộng hòa vẫn rất cao.
Một nguyên nhân khác để giải thích cho những thay đổi quan điểm trên các phương tiện truyền thông phương Tây là tình hình tài chính khó khăn ở các nước này. Trong ngân sách cho năm tới, nhà tài trợ chính cho Kiev ở châu Âu, Đức, đã phải giảm một nửa chi phí so với ngân sách năm hiện tại; trong khi đó, Pháp, Ý và Anh đang phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu chính phủ vì thâm hụt ngân sách.
Nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế học Alexei Bobrovsky cho rằng, thâm hụt ngân sách kinh niên và việc doanh nghiệp dần rời khỏi lục địa già là một quá trình dường như không thể đảo ngược. Thâm hụt ngân sách trong trường hợp của châu Âu cần được xem xét cùng với vấn đề nợ công mà các nước này đang phải đối mặt. Mức độ thâm hụt ngân sách ở hầu hết các nước EU đều vượt quá mục tiêu được quy định trong Thỏa thuận Maastricht. Thông thường, các chính phủ không cắt giảm chi tiêu mà tăng thuế. Điển hình như việc chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier trình bày kế hoạch ngân sách năm 2025 bao gồm các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt với mục tiêu là giảm chi phí 60,6 tỷ Euro vào năm 2025, cho thấy nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Pháp nói riêng, châu Âu nói chung.
Thực tế cho thấy, ở cả Mỹ và châu Âu, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến khó lường, nhu cầu tối ưu hóa chi phí, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt chính trị, đều được thừa nhận. Và nếu đảng Cộng hòa nói về việc chi hàng trăm tỷ USD một cách vô nghĩa cho Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, thay vì giải quyết các vấn đề nội bộ (ông Trump liên tục cáo buộc chính quyền Biden - Harris không đủ năng lực để chỉ đạo các chương trình cứu trợ người dân gặp nạn sau 2 cơn bão lịch sử Helene và Milton) thì người châu Âu mong mỏi những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội, thay vì giành một phần lớn ngân sách để tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
Đối với Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, rõ ràng tình thế đang cực kỳ bất lợi. Giới phân tích cho rằng, một mặt, các nước phương Tây không thể chấp nhận các kết quả khiêm tốn về quân sự và chính trị sau khi viện trợ hàng trăm tỷ USD cho Ukraine. Trong khi Kiev đưa ra “công thức hòa bình” và kêu gọi sự tham gia đầy đủ của NATO vào cuộc xung đột, như việc thuyết phục Mỹ, Anh cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga. Mặt khác, Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ có thể quan sát, bất chấp những tuyên bố, các đồng minh gần đây của Ukraine đang dần “xa lánh”; hỗ trợ tài chính và quân sự đang bị cắt giảm. Về vấn đề này, các chuyên gia lưu ý rằng, chuyến công du châu Âu mới đây của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã không đạt được kết quả nào đáng chú ý, bắt đầu sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Ramstein bị hủy bỏ.
Kịch bản cho cuộc xung đột
Ngoài việc nói về xu hướng giảm dần sự hỗ trợ từ các nước phương Tây cho Ukraine, truyền thông không ngừng thúc đẩy luận điểm về tầm quan trọng của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Kiev và Moscow; “địa phương hóa” vấn đề toàn cầu thông qua cuộc xung đột Nga - Ukraine, còn NATO chỉ đơn giản là hỗ trợ một trong các bên.
Theo logic này, phương Tây đang nỗ lực đưa Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow. “Chúng tôi đã nói rõ rằng nếu không có Ukraine thì sẽ không có đàm phán về Ukraine”, Đại sự quán Mỹ tại Nga trả lời câu hỏi của tờ Izvestia về khả năng đàm phán song phương giữa Moscow và Washington về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Về phía Nga, Điện Kremlin đã nhiều lần, kể cả trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành một cấu trúc an ninh châu Âu mới, trong đó vấn đề Ukraine được xác định là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. “Tổng thống Nga đã nói về triển vọng đối thoại và nói rằng Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ, Nga quan tâm đến đối thoại với Mỹ, nhưng chỉ là đối thoại toàn diện. Không thể tách rời bất kỳ phân đoạn riêng lẻ nào khỏi tổng thể các vấn đề tích tụ giữa các bên và Nga sẽ không làm điều này”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào tháng 6 năm nay.
Theo chuyên gia Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại và Quốc phòng Nga, Phó Giám đốc Kinh tế thế giới và Chính trị quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp Moscow và chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, nhận định rằng quan điểm, lập trường của Moscow và Washington về vấn đề Ukraine hoàn toàn trái ngược nhau. Nga liên tục tuyên bố nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine không phải ở các vùng lãnh thổ như Mỹ khẳng định, mà xuất phát từ chính sách của NATO ở Ukraine. Hơn nữa, các thỏa thuận ở Istanbul mà Moscow và Kiev suýt đạt được vào tháng 3/2022 có lợi hơn nhiều cho Ukraine so với các cuộc đàm phán trong tương lai, nếu xét đến cục diện chiến sự hiện nay.
Ông Dmitry Suslov cho rằng, đối với phương Tây, hiện có ba lựa chọn: Leo thang, đóng băng và chấp nhận các điều kiện của Nga. “Leo thang” sẽ kéo theo những rủi ro quá lớn cho các bên, còn “chấp nhận các điều kiện của Nga” có nghĩa là thất bại. Do đó, phương Tây đang cố gắng gây áp lực lên cả Kiev và Moscow nhằm đóng băng xung đột, nhưng đồng thời “phương Tây hóa Ukraine”, lôi kéo các nước có xu hướng thân Nga “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây.
HÙNG ANH
Thế giới đó đây
Mexico cử hàng trăm binh sĩ bảo vệ nông dân trồng chanh
Bộ Quốc phòng Mexico cho biết, kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức họ đã cử 300 binh sĩ và 360 thành viên Vệ binh quốc gia đến một số khu vực trồng chanh.
Vào tháng 8 vừa qua, hơn một nửa số kho chanh ở bang Michoacan đã đóng cửa tạm thời sau khi người nông dân và bên phân phối cho biết họ bị Los Viagras và các băng đảng khác đe dọa. Bộ Quốc phòng Mexico cho biết quân đội đã đến các cơ sở tiếp nhận và xử lý chanh, hộ tống xe tải vận chuyển loại quả này, đồng thời bảo đảm an ninh tại các chợ bán buôn xung quanh thị trấn Apatzingan, Aguililla và Buenavista.
Chanh đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực Mexico. Ngoài ra, 90% chanh Mỹ nhập khẩu có nguồn gốc từ Mexico.
Chanh có vẻ là mục tiêu kỳ lạ của các băng đảng Mexico, nhưng trên thực tế các nhóm tội phạm có tổ chức ở Michoacan đã coi chanh là nguồn thu nhập kể từ năm 2011. Các thành viên băng đảng đã bắt cóc và đe dọa người nông dân trồng chanh và tống tiền để chia lợi nhuận.
HÙNG ANH