Đời sống

Phía sau những cuộc bạn trẻ bỏ nhà đi dạt

LÊ HƯƠNG 11/04/2024 15:00

Nhiều bạn trẻ ở Hải Dương dù có gia đình hạnh phúc, bố mẹ đủ đầy nhưng lại bỏ nhà đi dạt. Vô tình, các em tự đẩy mình đứng trước nguy cơ tệ nạn xã hội.

anh-mo(2)-d1465684bc7739185b454c5c3a440e14.jpg
Cháu T.N.A. ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng lúc bỏ nhà đi (ảnh tư liệu)

Những lý do không đáng

Tất tả về nhà đón khách, anh T.V.C ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) vẫn mặc chiếc áo lao động ướt đẫm mồ hôi. Anh là bố cháu T.N.A. (sinh năm 2009), đang học lớp 9, bỏ nhà đi vào ngày 18/2 vừa qua và được lực lượng công an tìm thấy 5 ngày sau đó tại Hà Nội.

Anh cho biết, hiện cháu đã ổn định tâm lý và đang tập trung ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng vào lớp 10 sắp tới. Trước đây, A. ngoan, học lực khá, chưa từng nói lời thiếu lễ phép với ông bà, bố mẹ. Sau thời gian học online do dịch Covdi-19, A. quen một số bạn trên mạng xã hội. “Những đối tượng này đã lôi kéo, dụ dỗ cháu bỏ nhà, lên Hà Nội làm ăn. Lúc gia đình tìm thấy, cháu A. đang phục vụ bưng bê tại một quán trà sữa trên đó”, anh C. nói. Còn A. thừa nhận, quyết định bỏ nhà đi là một phút suy nghĩ bồng bột.

Chúng tôi tới nhà chị T.T.Y. ở thôn Đào Xá, xã An Bình (Nam Sách) nhưng cửa đóng then cài. Bà Nguyễn Thị Hiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đào Xá cho biết, chuyện nhà chị Y. xảy ra đã hơn 1 năm nhưng mọi người trong thôn vẫn nhớ. Cháu T.T.H. (con gái chị Y., sinh năm 2005), bỏ nhà đi từ giữa tháng 3/2023. Nguyên nhân do cháu H. học hành sa sút, yêu sớm nên bố hay la mắng. “Suy nghĩ tiêu cực nên cháu hành động dại dột”, bà Hiên nói.

Sau 10 ngày tự tìm kiếm không thấy, gia đình chị Y. trình báo Công an xã An Bình. Ngày 31/3, Công an xã An Bình đã tìm thấy H. tại TP Sông Công (Thái Nguyên).

Hiện chưa có thống kê cụ thể về tình trạng trẻ bỏ nhà đi ở Hải Dương. Tuy nhiên, hệ lụy mà nó gây ra lại rất đáng quan tâm. Đã có trẻ ra đi không bao giờ trở về. Đó là em L.T.T.A. (sinh năm 2007), ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ). Em A. bỏ nhà đi vào tối 17/7/2023, sau đó nhảy cầu Xe tự tử. Thi thể em được người dân phát hiện vào tối hôm sau ngay tại cửa cống dẫn nước từ sông Thái Bình vào bãi rươi của một gia đình ở thôn Bình Hàn, xã Cộng Lạc (cùng huyện Tứ Kỳ).

Bỏ nhà đi còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác như nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, bị bắt cóc… Các em có thể sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… gây xáo trộn cho gia đình và hoang mang, bất ổn cho xã hội.

Yêu thương trẻ đúng cách

z5331631693149_fe0eac4b36aa5fa8b86c5f93e59d8544.jpg
Nhà trường và gia đình cần phối hợp trong việc nắm bắt tâm lý và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ (ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng, trẻ em hiện nay có cơ hội tiếp xúc văn hóa độc hại nên dễ hư hỏng, chỉ cần một sự việc nhỏ cũng khiến các em bỏ nhà đi. Tuy nhiên, cần nhìn nhận ngược lại, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực cũng khiến người lớn chưa dành thời gian và sự quan tâm đúng mức tới trẻ, dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Trường hợp của em L.T.D. (sinh năm 2009) ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) là một ví dụ.

Cách đây 2 năm, D. bỏ nhà đi và đã được gia đình tìm thấy ngay sau đó. Sau sự việc, ông bà nội em phát hiện D. có biểu hiện sút cân, ăn kém. Đưa đi khám ở bệnh viện, bác sĩ phát hiện D. bị cường giáp, một trong những nguyên nhân khiến em hay hồi hộp, lo lắng. “Có lẽ do bệnh hay hồi hộp, lo lắng mà chỉ mấy câu mắng nhẹ của gia đình cũng khiến cháu suy nghĩ, bỏ nhà đi. Nếu biết trước cháu bị bệnh, gia đình sẽ có phương pháp khác để không xảy ra sự việc đáng tiếc”, ông L.X.H. - ông nội của D. cho biết.

Trên thực tế, có những phụ huynh cho rằng, chỉ cần cho trẻ có cuộc sống vật chất đủ đầy là được. Cha mẹ thờ ơ, khiến con cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Trong khi đó, trẻ có rất nhiều nhu cầu khám phá, vui chơi… cần được lắng nghe, thấu hiểu.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng bỏ nhà đi thường xảy ra ở độ tuổi dậy thì, từ 10-18 tuổi. Thầy Nguyễn Thành Du, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Nam Sách cho biết, đây là lứa tuổi trẻ có những biến động mạnh mẽ về tâm, sinh lý hay còn gọi là thời kỳ nổi loạn. Trẻ không hiểu bản thân, không biết diễn đạt nên càng khó sẻ chia để người khác hiểu. Từ đó, các em dễ rơi vào trạng thái bế tắc. Đặc biệt khi bị bắt ép, ra lệnh, trẻ thường làm ngược, bất cần, chống đối... để mong tự giải thoát.

Cũng theo thầy Du, một số trường hợp, do cha mẹ, thầy cô chưa thực sự tin tưởng, trẻ bỏ đi để chứng tỏ sự trưởng thành và tự lập của mình. Một số trường hợp khác thì trẻ muốn chạy trốn tình trạng cha mẹ ly dị, bạo hành, xâm hại, kỳ thị giới tính, cùng các khủng hoảng tại trường học…

Thực tế đó cho thấy, các em cần được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ phía cha mẹ. Dù bận rộn, cha mẹ cũng nên sắp xếp thời gian bên con, biến khoảnh khắc đó thành “giờ vàng”, xây dựng mối quan hệ thân thiết với con, để con luôn được giáo dục và định hướng tốt nhất. Nếu có thể, cha mẹ cũng nên cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng sống để con trưởng thành hơn trong suy nghĩ.

Với những trẻ bỏ nhà đi, khi con trở về, cha mẹ không nên chỉ trích, mà cần động viên, cùng con trao đổi một cách chân thành, giúp con hiểu hành động đó không nên và rất nguy hiểm.

“Phụ huynh và giáo viên cần chủ động phối hợp trong việc tìm hiểu diễn biến tâm lý của các em cả khi ở nhà và ở trường. Từ đó, có biện pháp thích hợp, giúp các em tin tưởng, chủ động chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình để cha mẹ và giáo viên định hướng đúng cho các em”, thầy Du nói.

LÊ HƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phía sau những cuộc bạn trẻ bỏ nhà đi dạt