Phát triển khu dân cư mới ở các huyện còn bất cập

09/05/2019 22:07

Để đáp ứng nhu cầu về đất ở, kinh doanh dịch vụ của người dân, các huyện đã và đang quy hoạch, phát triển nhiều khu dân cư (KDC) mới.


Những vị trí đất đẹp tại xã Đồng Gia (Kim Thành) hiện có giá tới 50 triệu đồng/m2 

Giá cao

Nằm ở trung tâm 6 xã khu C của huyện Kim Thành, có quốc lộ 17B đi qua kết nối với TP Hải Phòng, những năm qua, xã Đồng Gia đang phát triển rất nhanh. Khu trung tâm xã khá sầm uất, phục vụ dịch vụ, thương mại cho cả khu vực. Nhu cầu về đất ở, mặt bằng kinh doanh của người dân tăng cao. Vị trí đất ở đẹp ở xã hiện có giá tới 50 triệu đồng/m2. “KDC mới ở phía đông thị tứ Đồng Gia đang được đầu tư mở rộng với diện tích 3,59 ha bước đầu đáp ứng nhu cầu nhà ở và tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư kinh doanh và sinh sống trên địa bàn”, đại diện lãnh đạo xã Đồng Gia cho biết.

Theo ông Nguyễn Phúc Công, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Thành, người dân xã Cộng Hòa (Kim Thành) cũng có nhu cầu khá lớn về đất ở và đất dịch vụ. Năm 2016, huyện hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư hơn 41 tỷ đồng xây dựng KDC mới Cộng Hòa rộng 3,1 ha, thu hút hơn 100 hộ đến sinh sống, kinh doanh. Nằm cạnh đường tỉnh, KDC mới này thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng sớm đưa Cộng Hòa thành đô thị loại V.

Ngoài mở rộng các KDC mới, huyện Kim Thành đang tập trung nguồn lực để xây dựng thị trấn Phú Thái trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 theo quy hoạch của tỉnh. Thị trấn Phú Thái dự kiến phát triển thêm 5KDC mới như Đầm Chợ, khu ven đường 20-9… để nâng quy mô dân số đạt từ 50.000 người trở lên.

Gần đây, huyện Thanh Hà cũng có thêm nhiều KDC mới. Nhiều khu đất nông nghiệp kém hiệu quả, thậm chí để hoang hóa đã thành không gian đô thị mới như KDC phía đông thị trấn Thanh Hà có giá giao dịch khoảng 40 triệu đồng/m2 đất ở, KDC mới Đồng Hương (xã Thanh Khê) có vị trí trúng thầu với giá 62 triệu đồng/m2… Ông Phạm Đức Ban, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Hà khẳng định: “Bên cạnh tạo nguồn lực cho phát triển, các KDC mới ở Thanh Hà đang góp phần tạo bộ mặt hoàn toàn mới cho các trung tâm huyện, xã”.

Xuất hiện tình trạng đầu cơ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020 Hải Dương đạt tỷ lệ đô thị hóa 35%, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Nhưng theo Sở Xây dựng, sau khi Chí Linh lên thành phố, TP Hải Dương hoàn thành mở rộng không gian đô thị loại I, Kinh Môn xây dựng xong không gian thị xã, các thị trấn mở rộng không gian nội thị thì tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh cũng mới đạt khoảng 33%. Ngay cả mục tiêu về diện tích nhà ở là 24 m2/người ở nông thôn và 29 m2/người ở đô thị cũng chưa đạt. 

Mặc dù từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã triển khai 116 dự án đầu tư xây dựng KDC mới và khu đô thị mới, nhưng đến nay mới có 21 dự án cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và một số dự án đã được nghiệm thu, bàn giao. Ngoài ra, rất nhiều KDC, điểm dân cư mới do cấp huyện quy hoạch, đầu tư xây dựng đã nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập. Ông Phạm Viết Nhanh, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: “Các dự án được phân cấp cho cấp huyện thường có quy mô nhỏ, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thiếu, chất lượng đồ án quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật hạn chế…”. 

Không ít dự án KDC, đô thị mới ở các huyện phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, quá trình đầu tư còn chậm, dàn trải. Việc quản lý quá trình đầu tư xây dựng các dự án này thường rất khó khăn. Bên cạnh đó, gần đây tình trạng lách luật qua hình thức huy động vốn dẫn đến kích giá, "thổi" giá đất diễn ra ở một số nơi. Điều này dẫn tới người có nhu cầu thật không đủ tiền mua đất ở, trong khi tình trạng mua đất để đầu tư, đầu cơ đang trở thành thói quen tiêu cực, vừa gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn vốn trong dân, vừa tạo ra bất ổn cho thị trường bất động sản. “Nếu nhà đầu tư thu gom đất vô tội vạ, rất có thể họ đang tích tụ để tạo bong bóng bất động sản”, ông Nhanh lưu ý thêm. 

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, các cấp có thẩm quyền cần rà soát các quy hoạch chung đô thị, vùng phụ cận và các quy hoạch xây dựng liên quan khác để có cơ sở lựa chọn các vị trí hình thành các KDC mới phù hợp. Đồng thời, xác định phạm vi quy mô, dự kiến kinh phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật các KDC mới. Phát triển các KDC mới phải theo lộ trình hợp lý để làm động lực phát triển. Cùng với đó, cần rà soát các danh mục đầu tư, nhất là các công trình hạ tầng trọng điểm để phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Phát triển khu dân cư mới ở các huyện còn bất cập