Ngoài việc xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn lịch sử, đoàn khai quật khảo cổ cũng thu thập được khối lượng lớn các mảnh di vật...
Đoàn khai quật khảo cổ tại chùa Ngũ Đài
Qua hơn một năm tiến hành khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến (Chí Linh), đoàn khảo cổ đã thu được nhiều di vật quan trọng, thêm khẳng định giá trị của ngôi chùa thuộc hệ thống Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Hàng nghìn di vật cổ
Theo một số văn bia vẫn còn lưu ở di tích chùa Ngũ Đài, chùa còn tên gọi khác là Kim Quang tự, được xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông, khoảng năm 1320. Chùa từng có quy mô lớn, nguy nga, tráng lệ, nhưng trải qua biến động lịch sử, ngôi chùa bị hư hỏng.
Sớm định hướng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, năm 2019, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích chùa Ngũ Đài.
Tháng 8.2019, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thăm dò, khai quật chùa Ngũ Đài trên tổng diện tích 1.200 m2. Kết quả thu được khả quan khi đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích. Cụ thể, kết quả nghiên cứu đã chứng minh chùa được khởi dựng từ thời Trần đầu thế kỷ XIV, trùng tu lớn vào đầu thế kỷ XVII, tiếp tục trùng tu và cải tạo theo giai đoạn từ cuối thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX. Sang đầu thế kỷ XX, chùa tiếp tục được đầu tư xây mới và dịch chuyển về vị trí như hiện nay.
Ngoài việc xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn lịch sử, đoàn cũng thu thập được khối lượng lớn các mảnh di vật gồm 7 tiêu bản đồ đá, 3.569 vật liệu và trang trí kiến trúc bằng đất nung, 373 tiêu bản đồ đựng đất nung, 1.756 tiêu bản đồ đựng sành, 1.689 tiêu bản đồ đựng gốm men, 235 đồng tiền đồng, 39 đồ kim loại các loại. Các tiêu bản này đều có niên đại từ thời Trần, thời Lê sơ, thời Lê trung hưng, thời Nguyễn, một số tiêu bản của Trung Quốc (thế kỷ XIX) và đồng tiền có niên đại từ thời Đường đến thời Minh (thế kỷ IX đến thế kỷ XV).
Đoàn khai quật cũng đã mở rộng khảo sát và thám sát ở các khu vực xung quanh và phát hiện nhiều địa điểm có dấu tích của các công trình kiến trúc chùa, tháp có niên đại từ thời Trần. Điều này thêm minh chứng vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng (Bắc Giang), tạo thành một vùng “tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” mà trong lịch sử cho thấy đã từng phát triển rực rỡ.
Một số di vật được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ ở chùa Ngũ Đài
Mở rộng khai quật
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưởng đoàn khai quật, khảo cổ chùa Ngũ Đài chia sẻ: "Không phải ngẫu nhiên từ xưa người dân trong vùng đã truyền nhau câu nói “thứ nhất Ngũ Đài, thứ nhì Yên Tử”. Ở thế kỷ XIII, XIV, Phật giáo được xem là Quốc giáo của Đại Việt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Sự ra đời của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm mang tinh thần nhập thế cùng hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Nhà Trần đã cho xây dựng nhiều công trình chùa, tháp để hoằng dương đạo pháp, làm nơi tu hành của Phật tử. Do vậy, việc đầu tư xây dựng nhiều di tích chùa, tháp từ vùng biển đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) kéo dài đến vùng Chí Linh (Hải Dương) thời nhà Trần có lẽ xuất phát từ tư tưởng này.
“Cùng với thái ấp Vạn Kiếp mà vua Trần xây dựng ở Chí Linh thì chùa Ngũ Đài thời Trần chắc chắn cũng là một địa điểm quan trọng trong chiến lược kết hợp giữa Phật giáo Trúc Lâm và cứ điểm quân sự, bảo đảm an ninh vùng Đông Bắc của quốc gia Đại Việt”, ông Chất nói.
Từ kết quả thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ, TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng: Thời gian tới, Hải Dương phải có phương án bảo vệ di tích, sớm quy hoạch tổng thể chùa Ngũ Đài và tiếp tục đầu tư nghiên cứu, mở rộng không gian khai quật khảo cổ để xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu kiến trúc của các công trình chùa, tháp trong khu vực, làm tăng thêm giá trị khoa học, tạo cơ sở cho việc bảo tồn, trùng tu và kiến tạo không gian du lịch văn hóa tâm linh tại đây.
Thực tế những kết quả thu được trong đợt khảo sát, khai quật chùa Ngũ Đài có ý nghĩa quan trọng và rất kịp thời trong thời điểm này bởi đây không chỉ là cơ sở cho việc phục dựng, trùng tu, tôn tạo các hạng mục của di tích, để di tích trở lại đúng với quy mô, tầm vóc vốn có trong lịch sử, góp phần bảo vệ và tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Điều này còn góp phần quan trọng trong việc cung cấp cứ liệu khoa học để tới đây Hải Dương sẽ cùng với Quảng Ninh, Bắc Giang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản văn hóa thế giới.
HUYỀN ANH