Di tích

Về Tứ Kỳ thăm nơi thờ ông tổ Nho học Việt Nam

NGUYỄN ĐÌNH SƠN 07/12/2024 14:56

Cùng với miếu Phạm và đền Cõi, đình Kiêm ở xã An Nghiệp xưa (nay là xã Dân An) là một trong 3 nơi thờ tự quan trọng bậc nhất của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), được triều đình tổ chức cúng tế.

00:00

bhd-dinh-lang-kiem-1.jpg
Đình làng Kiêm (tên nôm là làng Gồm)

Theo thần tích, thần sắc của làng Kiêm, Sĩ Nhiếp (士燮) tên chữ là Uy Ngạn, sinh ngày mồng 4 tháng giêng năm 137. Cha là Sĩ Tứ, khi Vương Mãng thay ngôi nhà Hán, tổ tiên Sĩ Nhiếp mới chạy sang Giao Châu. Năm 187, ông được phong làm Thái thú quận Giao Chỉ cho đến khi ông mất ngày 12/11/226.

Ông là người đầu tiên dạy dân Việt chữ viết một cách có hệ thống và được suy tôn là “Nam Giao học tổ” (南交學祖) - ông tổ của Nho học ở Việt Nam, được sử gia Ngô Sĩ Liên suy tôn là Sĩ vương. Tên chữ của ngài ở đình làng Kiêm là “Đức Sĩ vương tiên”.

Trong ''Đại Việt sử ký toàn thư'', Ngô Sĩ Liên đã ca ngợi công đức của Ngài: "Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?”.

Đình làng Kiêm (tên nôm là làng Gồm) xưa thuộc xã An Nghiệp (sau đổi thành xã Quảng Nghiệp), hiện nay sáp nhập, thuộc xã Dân An (Tứ Kỳ) là một trong 2 ngôi đình ở xã thờ Đức thánh Nam Giao học tổ - Sĩ Nhiếp.

Đình quay hướng tây nam, sát một dòng sông lớn có tên là Đĩnh Đào. Trong đình, thờ ngài, bài vị có ngọc lộ, mũ, áo vóc. Các đời vua nhà Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Định đã gia phong cho ngài tổng cộng 8 đạo sắc phong.

bhd-dinh-lang-kiem-2.jpg
Ban thờ Đức thánh ở hậu cung

Sách ''Tứ Kỳ huyện học nha phụng ký'' và ''Tứ Kỳ địa dư phong vật chí'' đều chép: Đình ở xã An Nghiệp từ trước đến nay thờ Nam giao học tổ đô hộ Sĩ vương. Đình vũ nguy nga, cây cối um tùm, là nơi triều đình cúng tế (quốc tế), hương đèn không dứt. Ngày ngày có nhiều người đến đây cầu tự...

Sách ''Đồng Khánh địa dư chí'' có chép: thời Lê Cảnh Hưng, vua khen dân xã hiếu nghĩa theo việc quân, ban thưởng cho tấm biển đề 3 chữ: “Kiên nghĩa dân” (dân vững theo điều nghĩa).

Đình bị phá dỡ từ năm 1965. Ngày nay, các cụ trong làng vẫn còn tự hào về vẻ đẹp và sự nguy nga của ngôi đình. Trải qua thời gian, cổ vật của đình cũng không còn nhiều, hiện chỉ còn 3 bộ long đình và 1 hòm sắc ở hậu cung.

Năm 2005, người dân làng Kiêm đã nhất tâm khôi phục lại ngôi đình trên chính nền đất cũ năm xưa để thờ phụng Đức thánh.

Hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày hóa của ngài là ngày 12/11.

NGUYỄN ĐÌNH SƠN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Tứ Kỳ thăm nơi thờ ông tổ Nho học Việt Nam