Báo điện tử Hải Dương đăng toàn văn tham luận của đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương tham luận tại hội trường
Rất vinh dự được Đoàn chủ tịch cho phép tôi thay mặt cho MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát biểu tham luận. Lời đầu tiên, tôi xin kính chúc Đoàn chủ tịch cùng toàn thể các vị đại biểu dự đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc đại hội thành công tốt đẹp.
Trước hết tôi bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình trước Đại hội; nhất trí cao với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để bổ sung, minh họa, làm rõ hơn một số nội dung về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tôi xin tham luận với chủ đề “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường địa hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, trong đó có MTTQ. Đây là đòi hỏi tất yếu, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước và nhu cầu của quần chúng, đoàn viên, hội viên.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đang tác động ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự biến đổi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp xã hội, đặt ra hàng loạt vấn đề về đô thị hoá, về môi trường, liên quan trực tiếp đến cuộc sống, lao động, nghề nghiệp, sức khoẻ, công ăn việc làm, công bằng xã hội... Để giải quyết được những vấn đề nêu trên cần khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội, huy động tiềm lực con người; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định của đất nước. Do vậy phải không ngừng chăm lo, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi không ngừng hoàn thiện và phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, đạo đức và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của tổ chức Đảng ở cơ sở; hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân… MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội phải tiếp tục đổi mới, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, động viên, phát huy tính tích cực của các tầng lớp nhân dân đồng thời tham gia giám sát hoạt động và sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cơ quan của đảng và nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền.
Những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đất nước cùng với truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực tự cường... là những thuận lợi cơ bản để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều do những yếu kém của nội tại nền kinh tế và những vấn đề xã hội phức tạp phát sinh trong cơ chế thị trường, các tệ nạn xã hội như tham nhũng, buôn lậu, mại dâm, ma tuý, cờ bạc... chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, làm cho đoàn viên, hội viên có nhiều tâm tư, lo lắng, ảnh hưởng đến tính tích cực và niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, điều kiện khách quan của kinh tế, xã hội, nhu cầu lợi ích của đoàn viên, hội viên đã thay đổi nên hoạt động của MTTQ và các đoàn thể cần phải bám sát, đáp ứng nhu cầu chính đáng đó để tập hợp lực lượng.
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu tất yếu phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội nhằm củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính vì vậy, qua các nhiệm kỳ mà đặc biệt trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo việc tổng kết trên cơ sở đó ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội như: Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 160-KL/TW của Ban Bí thư về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; các Quy chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên... của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Những văn bản nêu trên đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể của việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tình hình mới.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, những năm qua, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội từng bước đổi mới đáp ứng yêu cầu của xã hội, của nhân dân, đạt được những kết quả quan trọng:
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước phát động, chủ động có nhiều sáng kiến tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiêu biểu như hưởng ứng các phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, vận động nhân dân tích cực thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”… do MTTQ phát động.
Bên cạnh đó, trước bối cảnh, nhiệm vụ chính trị đặt ra những yêu cầu đột xuất, Mặt trận đã phối hợp với Nhà nước chủ động ra lời kêu gọi toàn dân tham gia các cuộc vận động lớn vào từng thời điểm cụ thể như: Toàn dân ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ; Toàn dân hiến máu tình nguyện; toàn dân tham gia khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; toàn dân phòng chống dịch bệnh Covid-19… được các giai tầng xã hội, các tôn giáo, đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình hưởng ứng tạo phong trào rộng lớn và có hiệu quả thiết thực. Từ khi phát động đến nay, hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá hơn 2.205 tỷ đồng cho quỹ phòng chống Covid-19.
Hằng năm, nhân ngày quốc tế chống đói nghèo 17.10 và ngày truyền thống Mặt trận 18.11, MTTQ đã duy trì và tổ chức tốt các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: phát động tháng cao điểm vì người nghèo, với điểm nhấn là chương trình truyền hình trực tiếp “cả nước chung tay vì người nghèo” kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo; và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư với nhiều hoạt động phù hợp văn hoá truyền thống của dân tộc. Ngày hội là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, qua đó giải đáp được những vấn đề mà người dân quan tâm. Trong dịp tổ chức ngày hội, tiến hành trao nhà Đại đoàn kết và các công trình dân sinh cho các gia đình, các địa phương khó khăn… 5 năm qua, quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động 5.887 tỷ đồng, an sinh xã hội gần 17.000 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 181.133 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế, góp phần cải thiện điều kiện sống cho 667.525 lượt người nghèo.
Bên cạnh đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tạo môi trường để nhân dân bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp uỷ chính quyền các cấp; tổ chức góp ý, tập hợp ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong dịp Đại hội Đảng các cấp. Phối hợp tổ chức, vận động cử tri, nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND…
Tổ chức giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ đều có tổng hợp báo cáo ý kiến kiến nghị của cử tri. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã chủ trì tham gia giám sát 440.557 cuộc; xử lý 25.773 đơn thư khiếu nại tố cáo, phản ánh của nhân dân. Tổ chức hơn 81.000 cuộc phản biện xã hội; tổng hợp 45.051 ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Có thể nói, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đã từng bước đi vào nề nếp, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, góp phần làm cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước.
Tổ chức bộ máy của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đủ về số lượng, ngày càng được nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kết quả đạt được trên đây, là sự nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, cùng các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền các cấp, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nêu trên, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn còn một số hạn chế, đó là nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân chưa bắt kịp trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Một số cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước còn hình thức; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội ở cơ sở hiệu quả chưa cao...
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, MTTQ tỉnh xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:
Trước hết, tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng và toàn bộ hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân. Lựa chọn bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị đủ tâm huyết, năng lực, bản lĩnh chính trị ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cụ thể là:
Đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo… nhằm động viên mọi nguồn lực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hướng dẫn, hỗ trợ để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở xây dựng và phát triển các mô hình tự quản ở thôn, khu dân cư; tham gia hoạt động hòa giải; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, theo phương châm “Hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo giúp đỡ cơ sở”, gần dân, sát dân để “nghe dân nói, nói để dân hiểu, dân nghe”; Phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo. Kết nạp, phát triển thành viên MTTQ, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội. Phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới.
Thứ ba, thực hiện tốt vai trò đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bằng các hoạt động cụ thể như: thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, dư luận xã hội để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết kịp thời; đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Thứ tư, thực hiện thường xuyên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề:
Một là, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần nhận thức đầy đủ, giám sát chính là hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong tình hình mới; mặt khác, giám sát là để phát hiện kịp thời những vi phạm để kiến nghị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý; để kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; để phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực… phát huy quyền làm chủ của nhân dân một cách thực chất nhất.
Hai là, đổi mới cách thức giám sát phù hợp với từng cấp, từ việc lựa chọn vấn đề giám sát, tổ chức đoàn, phối hợp các cơ quan liên quan trong giám sát đến theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh mang tính hình thức vừa tốn kém thời gian, công sức vừa mất lòng tin của nhân dân.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, cần thực hiện có chọn lọc, phù hợp với thực tế khả năng thực hiện ở mỗi cấp.
Thứ năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tuyên truyền và thực hiện tốt Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư “Quy định về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”… Đây chính là điều kiện để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, nhằm tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đổi mới là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội. Chỉ có đổi mới, sáng tạo mới đem lại thắng lợi trong công cuộc xây dựng đất nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Với tinh thần đó, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp chung vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương