Phát hành sách xưa và nay

10/10/2022 10:00

Vượt qua những khó khăn, thách thức của thị trường, ngành phát hành sách Hải Dương luôn thay đổi để thích ứng linh hoạt với thời cuộc.


Văn hóa đọc thay đổi đòi hỏi hình thức phát hành cũng phải đổi mới. Trong ảnh: Một điểm bán sách lưu động trên đường Tuệ Tĩnh kéo dài (TP Hải Dương)

Mặc dù thị trường nhỏ hẹp nhưng ngành phát hành sách của Hải Dương luôn khẳng định vai trò và có những chuyển biến tích cực để thích ứng tình hình mới. 

Dịch vụ công ích

Giở cuốn kỷ yếu ghi lại những sự kiện trong hành trình phát triển 40 năm qua của doanh nghiệp, ông Vũ Chí Nghiêm, nguyên Giám đốc Công ty Sách và Thiết bị trường học Hải Dương (nay là Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương) cho biết khởi đầu là doanh nghiệp nhà nước, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nên công ty đặt mục tiêu phục vụ là chính. Những năm đó, việc phát hành sách giáo khoa, thiết bị giáo dục cho các nhà trường trong toàn tỉnh do một mình doanh nghiệp đảm nhận. Trước mỗi năm học mới, doanh nghiệp phải nắm chắc số lượng đầu sách của học sinh và giáo viên để lên kế hoạch báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo và trình UBND tỉnh phê duyệt. “Vì có nhiệm vụ cung ứng sách và toàn bộ thiết bị cho các nhà trường nên thời điểm đó hoạt động của công ty khá thuận lợi, không có sự cạnh tranh hay áp lực lợi nhuận. Sách giáo khoa thời điểm đó cũng chỉ có một bộ và được lưu hành trên toàn quốc. Từ năm 2004, khi doanh nghiệp cổ phần hóa thì hoạt động phát hành đã có những thay đổi, doanh nghiệp phải tự lập và cạnh tranh trong hoạt động phát hành”, ông Nghiêm nói. 

Nhớ lại những buổi chiều nghỉ học, đạp xe gần chục cây số lên phố huyện vào Hiệu sách nhân dân đọc sách, ông Nguyễn Văn Huân ở xã Quang Minh (Gia Lộc) kể: “Ngày đó hầu như đứa trẻ nào cũng háo hức khi bước chân vào Hiệu sách nhân dân. Mỗi lần vào đó bao giờ chúng tôi cũng phải mở vài cuốn để hít hà mùi giấy mới. Chăm đến nên bác bán sách nhớ mặt từng đứa và ân cần hướng dẫn chọn sách phù hợp với tuổi học trò”. Ngày đó, nhà nào có điều kiện mới mua sách giáo khoa mới cho con còn đa phần học lại của các anh chị lớp trước. Hiệu sách nhân dân cũng là nơi cung ứng và phát hành sách duy nhất trong huyện. “Hiệu sách nhân dân là cái tên nhiều người trẻ thời nay khó hình dung được nhưng với chúng tôi - những người đã qua tuổi thất thập thì là cả bầu trời tuổi thơ”, ông Huân nói.

Ngày nay, hoạt động phát hành sách và văn hóa phẩm của Hải Dương đã có những đổi mới. Hầu hết các doanh nghiệp đều được chuyển đổi từ nhà nước sang các công ty cổ phần. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ 2 đơn vị phát hành sách, văn hóa phẩm, thiết bị giáo dục tồn tại song hành vào những năm 70-80 thì đến nay Hải Dương đã có khoảng 50 cơ sở phát hành. Trong đó có những doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Phát hành sách Hải Dương, Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương, Công ty TNHH Thương mại và Văn hóa Đỗ Gia, Công ty TNHH Sách Bảo Trang… Hoạt động phát hành của các đơn vị này hiện nay đã có nhiều thay đổi, kinh doanh phong phú nhiều mặt hàng chứ không đơn thuần bán sách như trước kia.

Thích ứng

Sự thay đổi của văn hóa đọc và những tác động của công nghệ, chuyển đổi số đã khiến hoạt động phát hành sách của Hải Dương khác xưa. Ông Vũ Chí Việt, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương nhận định, ngay từ khi cổ phần hóa hoạt động phát hành của các đơn vị trong tỉnh đã thay đổi. Hiện nay, mặc dù phương thức phát hành "trao tay" truyền thống còn tồn tại nhưng các đơn vị trong tỉnh đang tích cực nghiên cứu để lựa chọn hình thức phát hành phù hợp. Công ty đang tập trung viết phần mềm, phấn đấu tăng tỷ lệ bán và giới thiệu sách trên trang thương mại điện tử. Quan tâm nghiên cứu phát hành, cung ứng đến những thể loại mới như sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook). 


Sau cổ phần, hoạt động phát hành của Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương thay đổi theo hướng cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm cung ứng

Không cần đến các hiệu sách, ngày nay nhiều người có thể mở các trang thương mại điện tử như: gacsach.com, waka.vn, sachtot.vn, tiki.vn... để mua. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Giám đốc Công ty CP Phát hành sách Hải Dương thì điều này đã khiến hoạt động phát hành phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu bạn đọc. Hoạt động phát hành sách càng khó khăn và cạnh tranh hơn trước. Do cổ phần nên hiệu sách bán thêm nhiều mặt hàng. Người dân đến hiệu sách có thể mua đồ dùng học tập, đồ chơi, thậm chí cả mỹ phẩm… Ngay cả nguồn nhân lực làm công tác phát hành cũng phải năng động, nhạy bén hơn xưa. “Ngày xưa nhân viên phát hành làm việc khá thảnh thơi thì nay phải chịu áp lực doanh số. Vì thế nhân viên phát hành phải năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường”, ông Thịnh nói. 

Hoạt động xuất bản, phát hành sách luôn có vai trò quan trọng trong hoạt động văn hóa và giáo dục. Hòa cùng làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đòi hỏi các đơn vị phát hành trong tỉnh phải có những bước đi thích hợp, xây dựng mô hình, hình thức cung ứng sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi trong thụ hưởng thông tin của người dân.

Ngày 10.10.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản gồm cả ba khâu: Nhà xuất bản, nhà in và đơn vị phát hành. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản, phát hành và in ấn của nước ta. Ngày 10.10 trở thành ngày truyền thống của ngành xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam. 

LAN ANH

(0) Bình luận
Phát hành sách xưa và nay